Tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư ngày càng phổ biến trong tiến trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia. Đặc biệt là khi hoạt động đầu tư nước ngoài ngày một phát triển cả về quy mô, phạm vi và tính chất. Bài viết dưới đây của OTIS LAWYERS sẽ cung cấp đến quý bạn đọc một cái nhìn tổng quan về tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư.
Khái quát về tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư
Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư (Investor-State Dispute Settlement – ISDS), tức tranh chấp đầu tư quốc tế, về bản chất là tranh chấp theo tư pháp quốc tế phát sinh trên cơ sở Điều ước quốc tế về đầu tư.
Tranh chấp này phải liên quan đến khoản đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà nước (chính phủ) tiếp nhận đầu tư theo quy định của:
- Pháp luật đầu tư của nước tiếp nhận đầu tư;
- Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư hay các chương về đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương/khu vực;
- Hợp đồng liên quan đến đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Bài viết này chủ yếu đề cập đến tranh chấp đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh trên lãnh thổ nước nhận đầu tư.
Đặc điểm của tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư
Về các bên tranh chấp
Một bên tranh chấp là nhà đầu tư nước ngoài (thường là bên khởi kiện) và bên còn lại là chính phủ nước tiếp nhận đầu tư (thường là bên bị kiện).

Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư trong tranh chấp thường là các cơ quan quản lý nhà nước được giao quyền, chức năng và nhiệm vụ để thay mặt Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư quản lý hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài khi họ tiến hành đầu tư vào nước mình.
Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích kinh doanh thương mại (sinh lời). Các nhà đầu tư này phải là thương nhân và có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và do cơ quan có thẩm quyền nơi họ thành lập cấp cho. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cần phải đáp ứng các điều kiện về đầu tư nước ngoài theo quy định pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài thương là các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực mà họ có kinh nghiệm ở nước mình và có tiềm lực kinh tế mạnh để tiến hành các hoạt động đầu tư tại nước nhận đầu tư.
Về nội dung tranh chấp
Các tranh chấp phát sinh thường có nội dung rất đa dạng và phức tạp. Điều này được thể hiện ở việc nội dung tranh chấp có thể liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp khi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hình thức đầu tư gián tiếp (mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu…) hoặc đầu tư trực tiếp (đầu tư để thành lập công ty liên doanh, mua bán và sáp nhập công ty…).
Ví dụ: tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư về trình tự, thủ tục thuê đất, giao nhận và sử dụng đất đối với dự án đầu tư nước ngoài có yêu cầu sử dụng đất; tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại nước sở tại; tranh chấp liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi về thủ tục mua sắm đấu thầu, thủ tục cấp pháp đầu tư… mà chính phủ nước sở tại dành cho các nhà đầu tư nước ngoài theo các cam kết quốc tế…
Về phạm vi các mối quan hệ phát sinh
Tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư. Điều này sẽ làm nảy sinh ra một sự bất bình đẳng giữa hai bên tranh chấp, làm cho việc giải quyết tranh chấp gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ quốc gia, theo quy định của tư pháp quốc tế, thì có thể được hưởng quyền miễn trừ tư pháp. Và chỉ khi nước tiếp nhận đầu tư tuyên bố từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp của mình thì nhà đầu tư mới có thể khởi kiện.
>>> Xem thêm: Quyền miễn trừ tư pháp
>>> Xem thêm: Quốc gia - Một chủ thể đặc biệt trong tranh chấp đầu tư quốc tế
Tuy nhiên hiện nay, trong hầu hết các hiệp định, các chương về đầu tư đều có điều khoản quy định cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư. Theo đó, thông qua các hiệp định/chương về đầu tư này, nước tiếp nhận đầu tư sẽ từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp để có thể bị khởi kiện và xét xử tại cơ quan tài phán có thẩm quyền (có thể là trọng tài, tòa án nước tiếp nhận đầu tư; trọng tài quốc tế; hay cơ quan tài phán khác theo thỏa thuận của các bên) và nếu vi phạm thì phải bồi thường theo phán quyết của cơ quan tài phán đó.
Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư
Theo pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam là thành viên, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư bao gồm:
- Thương lượng, đàm phán;
- Hòa giải (có trung gian hoặc thông qua trao đổi trực tiếp tại cơ quan giải quyết tranh chấp);
- Trọng tài quốc tế;
- Tòa án.
Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp trên có điểm gì đặc biệt. Khi xảy ra tranh chấp, áp dụng phương thức nào sẽ có hiệu quả?... Hãy đón chờ câu trả lời trong những bài viết tiếp theo của OTIS LAWYERS
Dịch vụ tư vấn Luật Đầu tư của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn về Luật Đầu tư. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận