Nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) cùng với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) tạo thành bộ nguyên tắc cơ bản về không phân biệt đối xử trong luật đầu tư quốc tế. Vậy, nguyên tắc NT có nội dung như thế nào? Nó đề cập đến những vấn đề gì? Hãy cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
>>> Xem thêm: Nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc (MFN)
>>> Xem thêm: Nguyên tắc Đối xử công bằng và thỏa đáng (FET)
>>> Xem thêm: Nguyên tắc Bảo vệ và an ninh đầy đủ (FPS)
Tổng quan về nguyên tắc đối xử quốc gia
Khái niệm
Đối xử quốc gia (NT) là nguyên tắc quan trọng thứ hai có mục tiêu ngăn ngừa sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư. Trong khi nguyên tắc MFN hướng tới việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, thì nguyên tắc NT lại nhằm loại bỏ sự phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tại Điều 3.1 của Hiệp định đầu tư song phương BIT Việt Nam - Hàn Quốc (2004) có quy định: “Mỗi Bên ký kết trong phạm vi lãnh thổ của mình phải dành cho đầu tư và lợi tức cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho đầu tư và lợi tức của nhà đầu tư của mình […]”.
Hay như trong Điều 1102 Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA): “không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho nhà đầu tư và đầu tư của mình, trong các tình huống tương tự, về các phương diện như thành lập, thu nhận, hoạt động và chuyển nhượng đầu tư.”
Có thể thấy, nội dung của nguyên tắc NT đề cập đến vấn đề: nhà đầu tư nước ngoài được đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử của nước chủ nhà dành cho nhà đầu tư của mình
Phạm vi của nguyên tắc đối xử quốc gia
Cũng như nguyên tắc MFN, NT là một chuẩn mực đòi hỏi phải so sánh. Do đó, việc xác định tiêu chí so sánh giữa các nhà đầu tư cũng có liên quan trong ngữ cảnh NT. Điều này ngày càng đúng hơn vì các Hiệp định đầu tư quốc tế (IIA) thường sử dụng cùng ngôn ngữ cho cả hai nguyên tắc nêu trên. Nguyên tắc NT tương tự như nguyên tắc MFN. Vì thế, những nội dung xem xét về phạm vi nguyên tắc NT trong nhiều trường hợp giống hệt nghĩa vụ MFN.
Phạm vi và mức độ liên quan trên thực tế của NT phụ thuộc nhiều vào việc giải thích khái niệm “hoàn cảnh tương tự”. Về cơ bản, định nghĩa của nó sẽ đặt ra một cơ sở để các cơ quan lập pháp trong nước có thể tự do đối xử với một số mặt hàng nhập khẩu theo cách thức khác với hàng sản xuất trong nước. Quả thật, thông thường định nghĩa NT sẽ là đạt yêu cầu, nếu trong đó có quy định về việc nó chỉ áp dụng trong những ‘trường hợp tương tự’ hoặc những ‘hoàn cảnh tương tự’. Do hoàn cảnh của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước thường không giống nhau, nên rõ ràng cách quy định như vậy là nhằm để ngỏ cho việc giải thích.
Các yếu tố của nguyên tắc đối xử quốc gia
Phân biệt đối xử (Discrimination)
Tiêu chuẩn không phân biệt đối xử không yêu cầu mọi cách đối xử phải giống hệt nhau, nhưng bất kỳ sự khác biệt nào trong cách đối xử phải được giải thích trên cơ sở hợp lý. Việc phân biệt đối xử mà chỉ dựa trên quốc tịch được cho là vi phạm luật pháp quốc tế.
Phân biệt đối xử tồn tại khi các nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư, trong hoàn cảnh tương tự bị đối xử kém thuận lợi hơn so với các nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư trong nước. Các nhà đầu tư và khoản đầu tư của họ được hưởng mức độ đối xử tốt nhất dành cho bất kỳ nhà đầu tư hoặc khoản đầu tư trong nước nào khác hoạt động trong hoàn cảnh tương tự. Những so sánh này không chỉ giới hạn ở việc đánh giá rằng liệu sự đối xử đang nhận được có giống nhau về cơ bản hay không, mà nó còn tập trung vào kết quả của việc đối xử nhận được.
Hoàn cảnh tương tự (Like circumstances)
Trong trường hợp cách đối xử được đề cập là cụ thể đối với một ngành nhất định, nguồn so sánh đương nhiên sẽ là giữa các nhà đầu tư hoạt động trong ngành đó (chứ không phải tất cả các nhà đầu tư trong lãnh thổ).
Theo Pope & Talbot Tribunal: “như một bước đầu tiên, sự đối xử dành cho khoản đầu tư thuộc sở hữu nước ngoài được bảo vệ bởi Điều 1102(2) nên được so sánh với khoản đầu tư trong nước được dành cho trong cùng lĩnh vực kinh doanh hoặc kinh tế…”
Cơ sở cho bất kỳ sự so sánh nào đều dựa trên sự giống nhau của các đối tượng so sánh. Nếu là một ngành cụ thể, thì các đối tượng phải thuộc ngành đó. Chẳng hạn như cùng loại hình kinh doanh hay lĩnh vực kinh tế; hoặc càng chính xác hơn nếu có thể liên hệ đến tiềm năng sử dụng của khoản đầu tư trong dự án cụ thể (Ví dụ như dự án xây dựng đường cao tốc…).
Nếu không phải là một ngành cụ thể nào, thì điều đầu tiên, cần phải xác định xem nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước có được đặt trong cùng một bối cảnh so sánh không (Hay nói cách khác theo thuật ngữ trong IIAs của Hoa Kỳ, là “tình huống tương tự”). Thứ hai, phải xác định được rằng liệu sự đối xử dành cho nhà đầu tư nước ngoài có ít nhất là cũng thuận lợi như sự đối xử dành cho nhà đầu tư trong nước không. Lưu ý rằng: “Thoạt nhìn đã rõ” là vi phạm nguyên tắc NT.
Động cơ của nước tiếp nhận đầu tư (Consideration of intent/motivation of the host country)
Việc xem xét ý định hoặc động cơ của nước sở tại là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là một yếu tố cấu thành nguyên tắc NT (như giải thích trong vụ S.D. Myers, Inc. v Canada, Occidental Exploration and Production Company v. Ecuador, Project Holding v. Ukraina)
Trong vụ Bayindir v. Pakistan (2009): không cần đặt ra yêu cầu phải xét đến ý định chủ quan của chính nước chủ nhà khi ban hành các biện pháp mang tính phân biệt đối xử mà chỉ cần chứng minh có sự phân biệt đối xử đối với nhà đầu tư nước ngoài là đủ
Hay như vụ Siemens v. Argentina: Hội đồng Trọng tài đồng ý rằng ý định không mang tính quyết định hoặc cần thiết cho việc tìm ra sự phân biệt đối xử và rằng tác động của biện pháp đối với khoản đầu tư sẽ là yếu tố quyết định để xác định liệu nó có dẫn đến sự đối xử không phân biệt đối xử hay không.
Tác động của biện pháp đến nhà đầu tư nước ngoài (The impact of measures to foreign investors)
Về cơ bản, nguyên tắc NT đòi hỏi các nước không được phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài với mục đích bảo hộ các nhà đầu tư trong nước. Tiêu chuẩn đối xử có thể được xác định theo hai cách: đối xử “giống nhau” hoặc “thuận lợi như nhau”, hoặc đối xử “không kém thuận lợi hơn”. Bất kỳ biện pháp nào không thuộc vào tiêu chuẩn kể trên thì có thể được coi là vi phạm nguyên tắc NT. Rất khó phân biệt sự khác nhau, nhưng công thức “không kém thuận lợi hơn” mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài khả năng được đối xử thuận lợi hơn các nhà đầu tư trong nước, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoại lệ của nguyên tắc đối xử quốc gia
Ngoại lệ chung: Dựa trên các lý do sức khỏe công cộng, trật tự, đạo đức và an ninh quốc gia.
Ngoại lệ theo chủ đề: Các ngoại trừ đối với chủ đề cụ thể khỏi nghĩa vụ NT, ví dụ như sở hữu trí tuệ; đánh thuế trong các hiệp định thuế song phương; các biện pháp thận trọng trong dịch vụ tài chính; hoặc các biện pháp tự vệ kinh tế vĩ mô tạm thời…
Các ngoại lệ cụ thể đối với từng nước: Các Bên bảo lưu quyền đối xử khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo luật và quy định của mình – cụ thể là liên quan đến các ngành hoặc hoạt động – vì các lý do chính sách kinh tế quốc gia và xã hội.
Lưu ý: Các ngoại trừ cụ thể từng nước có thể trùng với các ngoại trừ theo chủ đề
Dịch vụ tư vấn Luật Đầu tư của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn về Luật Đầu tư. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận