Hiện nay dân số tăng lên, hiện tượng đông đúc, quá tải tại các bệnh viện ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì vậy mà những năm gần đây các phòng khám chuyên khoa được mở ra rất nhiều. Làm thế nào để thành lập một phòng khám chuyên khoa đạt chuẩn chất lượng và được cấp phép hoạt động? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu về việc mở phòng khám chuyên khoa mắt như thế nào là đúng luật?
Điều kiện mở phòng khám chuyên khoa mắt
Để kinh doanh phòng khám chuyên khoa mắt, chủ thể kinh doanh bắt buộc phải xin cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Cụ thể, cần phải đảm bảo đáp ứng được các điều kiện dưới đây theo quy định tại Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 8, Điều 11 Nghị định 188/2018/ NĐ-CP:
Điều kiện về cơ sở vật chất
- Có địa điểm cố định;
- Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;
- Phải bố trí khu vực tiệt trùng để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại, trừ trường hợp không có dụng cụ phải tiệt trùng lại hoặc có hợp đồng với cơ sở y tế khác để tiệt trùng dụng cụ.
Điều kiện về trang thiết bị y tế
- Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của Phòng khám chuyên khoa mắt;
- Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.
Điều kiện về nhân lực
- Phòng khám phải có ít nhất một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật và phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn của Phòng khám chuyên khoa mắt;
- Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất 54 tháng;
- Việc phâm công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm phải được thể hiện bằng văn bản;
- Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.
- Các đối tượng khác có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám mắt phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn của Phòng khám chuyên khoa mắt;
- Có sự phân công bằng văn bản của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám mắt căn cứ vào văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đào tạo và năng lực của người hành nghề.
Thủ tục xin cấp phép Giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa mắt
Để xin cấp giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa mắt, Quý khách hàng cần phải chuẩn bị hồ sơ và thực hiện các thủ tục sau theo quy định tại Khoản 1, Điều 43, Nghị định 109/2016/NĐ-CP:
Thành phần hồ sơ
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu;
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Bản sao);
- Chứng chỉ hành nghề, Giấy xác nhận quá trình công tác của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật; người phụ trách bộ phận chuyên môn của phòng khám (Bản sao);
- Danh sách đăng ký người hành nghề tại phòng khám theo Mẫu;
- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu;
- Danh mục chuyên môn kỹ thuật của Phòng khám đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
- Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mắt. Cụ thể:
- Các tài liệu pháp lý liên quan đến địa điểm lập phòng khám như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hợp đồng thuê nhà ...
- Hợp đồng lao động với người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật;
- Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về PCCC;
- Hợp đồng thu gom xử lý rác thải y tế, với đơn vị thu gom, xử lý rác thải;
- Hợp đồng xử lý hệ thống nước thải và Biên bản nghiệm thu công trình xử lý nước thải (nếu có);
Trình tự, thủ tục
Bước 1: Nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động về Sở Y tế
Bước 2: Sở Y tế tiếp nhận và gửi Phiếu tiếp nhận
Bước 3: Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Y tế sẽ xem xét thẩm định hồ sơ và thẩm định tại cơ sở để cấp GPHĐ (Lưu ý: Thời gian trên có thể bị kéo dài vì phụ thuộc rất lớn vào quá trình thẩm định của Cơ quan có thẩm quyền và việc tiến hành bổ sung các yêu cầu thẩm định của Quý khách hàng)
- Giai đoạn 1 - Thẩm định hồ sơ: Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận, Sở Y tế sẽ có văn bản thông báo yêu cầu hoàn chỉnh hồ sơ. Thời gian giải quyết thủ tục sẽ tính từ ngày nhận đủ hồ sơ bổ sung.
- Giai đoạn 2 – Thẩm định tại cơ sơ: Sau khi hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ, Sở Y tế thành lập đoàn thẩm định và tiến hành thẩm định tại cơ sở.
Bước 4: Trả Giấy phép hoạt động cho cơ sở (trường hợp không cấp GPHĐ, Sở Y tế phải có văn bản trả lời và nêu lý do).
Cơ quan có thẩm quyền: Giám đốc Sở Y tế
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận