Với sự mở cửa và hội nhập sâu rộng, các giao dịch và hợp đồng có yếu tố nước ngoài ngày càng phổ biến. Vậy thế nào là hợp đồng có yếu tố nước ngoài? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Hợp đồng có yếu tố nước ngoài là gì?
Hợp đồng là một hình thức của giao dịch dân sự, thể hiện quyền và nghĩa vụ giữa các bên chủ thể trong hợp đồng. Như vậy, hợp đồng mang yếu tố nước ngoài tức là hợp đồng có giao dịch dân sự mang yếu tố nước ngoài. Theo khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 về giao dịch dân sự mang yếu tố nước ngoài như sau:
- Có ít nhất một trong các bên tham gia hợp đồng là chủ thể nước ngoài.
- Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài.
- Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Như vậy, hợp đồng có mang yếu tố nước ngoài hay không xác định dựa vào 3 yếu tố: Chủ thể tham gia có yếu tố nước ngoài, hợp đồng được xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài hoặc đối tượng của quan hệ dân sự ở nước ngoài.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quan hệ hợp đồng có được coi là yếu tố nước ngoài không?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Luật Thương mại: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam.
Như vậy, theo quy định nêu trên,doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thương nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì được coi là thương nhân Việt Nam. Và việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (cho dù là 100% vốn đầu tư nước ngoài) không là dấu hiệu để xác định có yếu tố nước ngoài khi doanh nghiệp này được đăng ký, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự mang yếu tố nước ngoài bằng các hình thức nào?
Giải quyết bằng trọng tài đối với hợp đồng thương mại
Theo Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về thẩm quyền giải quyết trong các trường hợp sau:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Giải quyết bằng Tòa án
Theo Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với các tranh chấp dân sự mang yếu tố nước ngoài:
- Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
- Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam.
- Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam.
Pháp luật nước nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự mang yếu tố nước ngoài?
Theo quy định tại Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;
c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;
d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;
đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.
3. Trường hợp chứng minh được pháp luật của nước khác với pháp luật được nêu tại khoản 2 Điều này có mối liên hệ gắn bó hơn với hợp đồng thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước đó.
4. Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản.
5. Trường hợp pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.
6. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý.
7. Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.”
Theo đó, pháp luật của nước được áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự mang yếu tố nước ngoài sẽ do các bên thỏa thuận, trừ những trường hợp tại khoản 4, 5 và 6 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu như các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
Trên đây là tư vấn của OTIS LAWYERS về hợp đồng có yếu tố nước ngoài, hy vọng bài viết là nguồn tham khảo hữu ích cho quý khách hàng!
Dịch vụ tư vấn pháp luật của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 098774811
Bình luận