Không thể phủ nhận các lợi ích của bảo hiểm nhân thọ trước những rủi ro về sức khỏe, tuy nhiên trong một số trường hợp, người mua bảo hiểm muốn hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Vậy có được hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không? Hậu quả sau khi hủy bỏ hợp đồng này là gì? Hãy cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết sau!
Bảo hiểm nhân thọ là gì?
Bảo hiểm nhân thọ (life insurance) là sản phẩm của công ty bảo hiểm nhân thọ nhằm bảo vệ tài chính cho người được bảo hiểm trước các rủi ro liên quan đến sức khỏe, thân thể và tính mạng.
Việc tham gia bảo hiểm nhân thọ được xác lập bằng hợp đồng bảo hiểm giữa người tham gia với công ty bảo hiểm. Hợp đồng này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật có liên quan. Hợp đồng này được khoản 1 Điều 12 Luật Kinh doanh bảo hiểm định nghĩa như sau:
Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Theo đó, khi xảy ra các sự kiện rủi ro mà các bên đã thỏa thuận trước về việc được hưởng bảo hiểm hoặc đến khi bảo hiểm đáo hạn, người mua bảo hiểm hoặc người được chỉ định hưởng bảo hiểm sẽ được công ty bảo hiểm chi trả một số tiền nhất định. Số tiền này được căn cứ cụ thể vào số tiền bảo hiểm đã đóng và các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Có được hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
Các bên có thể hủy bỏ HĐBH nhân thọ. Hiện nay có hai hình thức hủy HĐBH nhân thọ là hủy hợp đồng theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của các bên.
Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bán bảo hiểm có quyền hủy bỏ HĐBH.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp bán bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong HĐBH. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài (nếu có).
Trường hợp doanh nghiệp bán bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết HĐBH thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ HĐBH, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng. Doanh nghiệp bán bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên mua bảo hiểm (nếu có).
Đối với trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, Điều 26 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định như sau:
“Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc bên mua bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện HĐBH trong trường hợp sau đây:
Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí;
Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bên mua bảo hiểm không chấp nhận yêu cầu về thay đổi mức độ rủi ro được bảo hiểm quy định tại Điều 23 của Luật này;
Người được bảo hiểm không được thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;
Bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao danh mục HĐBH quy định”.
Ngoài ra, pháp luật cho phép người mua bảo hiểm có thời hạn 21 ngày để cân nhắc HĐBH , cụ thể: Đối với HĐBH có thời hạn trên 1 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được HĐBH, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì HĐBH sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong HĐBH. Doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Như vậy, trong khoảng thời gian 21 ngày, có thể hủy bỏ HĐBH nhân thọ mà không bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người mua bảo hiểm. Đây là khoảng thời gian quan trọng cần lưu ý vì sau đó, dù vẫn có thể hủy bảo hiểm bất cứ thời điểm nào nhưng ở mỗi thời điểm hủy hợp đồng người mua bảo hiểm phải cân nhắc thật kỹ bởi việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Hậu quả khi hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là gì?
Hậu quả này được quy định tại Điều 27 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023 và chi tiết hơn trong chính HĐBH mà các bên ký kết với nhau.
Đối với người tham gia bảo hiểm
Người chịu những ảnh hưởng trực tiếp và bất lợi nhất của việc hủy HĐBH nhân thọ chính là người tham gia. Khi HĐBH chấm dứt đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không được bảo vệ nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra, đây cũng được coi là sự thiệt hại lớn nhất đối với người tham gia bảo hiểm.
Mặc dù khi hủy HĐBH nhân thọ, người tham gia bảo hiểm vẫn có thể nhận được một khoản tiền gọi là giá trị hoàn lại theo thỏa thuận đã ký kết nhưng vẫn chịu nhiều tổn thất. Nguyên nhân là bởi các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hiện nay đều quy định hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị hoàn lại sau một khoảng thời gian nhất định, thường là 2 năm. Nếu hợp đồng bị hủy khi hợp đồng chưa có giá trị hoàn lại, người tham gia sẽ không nhận được khoản tiền hoàn lại dù trước đó có đóng phí bảo hiểm đầy đủ.
Bên cạnh đó, số tiền mà khách hàng nhận về sau khi hợp đồng bị hủy thường ít hơn so với số tiền đã đóng. Nguyên nhân là do công ty bảo hiểm đã khấu trừ các khoản chi phí vận hành như chi phí quản lý quỹ, chi phí rủi ro...
Rất ít trường hợp khách hàng có thể nhận về số tiền nguyên vẹn khi hủy HĐBH nhân thọ, đặc biệt là nếu hủy hợp đồng sớm. Đặc thù của HĐBH nhân thọ là các cam kết dài hạn có thể lên đến 10 năm, 20 năm hoặc trọn đời. Hầu hết các hợp đồng sẽ có giá trị hoàn lại tương đương với số phí đã đóng kể từ thời điểm 10 năm trở đi.
Đối với công ty bảo hiểm
Khi người tham gia hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ càng sớm thì công ty càng chịu nhiều tổn thất về chi phí vận hành, thậm chí có thể bị lỗ.
Trên đây là tư vấn của OTIS LAWYERS về bảo hiểm nhân thọ và hậu quả khi người mua bảo hiểm muốn hủy hợp đồng bảo hiểm. Hi vọng bài viết sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho quý bạn đọc khi cân nhắc mua bảo hiểm hoặc muốn hủy HĐBH
Nếu còn vấn đề vướng mắc , hãy liên hệ ngay tới OTIS LAWYERS theo địa chỉ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: K28 - Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111 Website: https://otislawyers.vn/
Bình luận