Là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp có tính bảo mật cao nhất, trọng tài thương mại ngày càng được các thương nhân “ưu ái” sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế việc xác định thẩm quyền của trọng tài thương mại diễn ra vô cùng phức tạp. Hiểu được mong muốn của rất nhiều quý bạn đọc, OTIS LAWYERS xin cung cấp bài viết dưới đây nhằm giải đáp kịp thời những vướng mắc, khó khăn của mọi người.
Cơ sở pháp lý
Luật trọng tài thương mại 2010
Khái niệm trọng tài thương mại
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Luật trọng tài thương mại năm 2010: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật trọng tài thương mại”.
Nhìn chung, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp có tính chất tài phán phi nhà nước (phi chính phủ) do các đương sự thỏa thuận lựa chọn để giải quyết các tranh chấp thương mại. Trọng tài đóng vai trò là bên trung gian thứ ba được các bên tranh chấp lựa chọn để giúp các bên giải quyết những xung đột, mâu thuẫn trên cơ sở đảm bảo quyền tự định đoạt của các bên.
Rất nhiều người nhầm lẫn giữa hai phương thức giải quyết tranh chấp là trọng tài và hòa giải. Bởi vì hai phương thức này khác giống nhau và đều có sự xuất hiện của người thứ ba. Tuy nhiên, trong hình thức hòa giải, vai trò của người thứ ba chỉ mang tính hỗ trợ, giúp đỡ các bên thỏa thuận với nhau. Còn trong phương thức trọng tài, sau khi xem xét sự việc, trọng tài có thể đưa ra phán quyết có giá trị cưỡng chế thi hành đối với các bên.
Thẩm quyền của trọng tài thương mại
Tại Việt Nam, qua các thời kỳ, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài ngày càng mở rộng nhằm tạo hành lang pháp lý rộng rãi hơn cho trọng tài thương mại phát triển, trở thành phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, giảm gánh nặng cho Tòa án. Năm 2010, Luật trọng tài thương mại ban hành và mở rộng thẩm quyền của trọng tài thương mại.
Cụ thể, Điều 2, Luật Trọng tài thương mại 2010 đã quy định về những tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại:
Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại. Hiểu đơn giản là đây là những tranh chấp phải liên quan đến hoạt động thương mại và đã hoàn toàn loại bỏ những tranh chấp dân sự của một bên có hoạt động thương mại.
Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Như vậy, hiện nay, trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại. Thông thường, đây là tranh chấp xảy ra giữa các cá nhân là người tiêu dùng và các công ty thương mại cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên thị trường. Để bảo vệ người tiêu dùng trong tranh chấp với chủ thể có hoạt động thương mại (thương nhân), Điều 17, Luật TTTM quy định về quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng: “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.”
Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại giữa Trọng tài và Tòa án
Cùng là những chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại, vậy làm thế nào để xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Trọng tài và Tòa án theo quy định của pháp luật hiện hành?
Căn cứ vào Điều 2, Luật Trọng tài thương mại và Điều 2, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP:
(1) Trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; hoặc là giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
(2) Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp nêu trên nếu các bên có thoả thuận trọng tài, trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu
(3) Khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thương mại thì Tòa án yêu cầu một hoặc các bên cho biết tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không.
Trường hợp tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định, phán quyết có hiệu lực pháp luật của Trọng tài xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp bị vô hiệu hoặc không thể thực hiện được thì Tòa án căn cứ quy định Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 để trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Trường hợp sau khi thụ lý vụ án Tòa án mới phát hiện vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều 2, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
Trường hợp, các bên đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài đang giải quyết vụ tranh chấp nhưng một bên đột nhiên thay đổi và quyết định khởi kiện ra tòa. Cho dù Tòa án có nhận thấy tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài thì Tòa án cũng phải trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp đã thụ lý thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
(4) Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác:
Có quyết định của Tòa án hủy phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại khoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật TTTM;
Tranh chấp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP
(5) Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:
Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều 2, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP, thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật TTTM để từ chối thụ lý, giải quyết.
Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 Bộ Luật Tố tụng dân sự ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
DỊCH VỤ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ CỦA OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS tự hào là đơn vị chuyên tư vấn, giải quyết các loại tranh chấp trong kinh doanh và thương mại với hiệu quả cao và chi phí hợp lý. Với gói dịch vụ giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế TRỌN GÓI, quý khách hàng sẽ được đội ngũ luật sư chuyên nghiệp thực hiện đầy đủ các công việc sau đây:
Tư vấn các quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ kinh doanh thương mại quốc tế;
Chuẩn bị liên hệ và đàm phán với các bên liên quan trong việc giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế;
Trao đổi và hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu chứng cứ, cung cấp thông tin phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp;
Luật sư đại diện theo ủy quyền gặp gỡ, trao đổi và làm việc với cơ quan Trọng tài, Trọng tài viên nhằm bảo vệ tối đa lợi ích khách hàng.
Mong rằng những thông tin hữu ích trên sẽ giúp các quý bạn đọc giải quyết được những vướng mắc, khó khăn đang gặp phải. Nếu quý khách hàng mong muốn nhận được sự hỗ trợ pháp lý nhanh chóng, kịp thời trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài và có nhu cầu được đặt lịch hẹn gặp luật sư giải quyết tranh chấp thương mại của OTIS LAWYERS thì hãy nhanh chóng liên hệ ngay với chúng tôi qua địa chỉ:
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park View, Số 3 đường Vũ Phạm Hàm, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận