Đang giao hàng hóa thì gặp trời mưa làm hỏng hàng, ai sẽ là chịu rủi ro. Hiện nay những tình huống như vậy không hề ít, nhất là đối với những hợp đồng mua bán hàng hóa. Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu cách xác định thời điểm chuyển rủi ro khi mua bán hàng hóa theo quy định pháp luật hiện nay!
Hợp đồng mua bán hàng hóa là gì?
“Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận”.
Mua bán hàng hóa là một hoạt động thương mại; hợp đồng mua bán hàng hóa thể hiện sự thỏa thuận giữa các bên nhằm xác lập , thay đổi hủy bỏ quyền và nghĩa vụ các bên tham gia.
Rủi ro khi mua bán hàng hóa là gì?
Rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa là những mất mát, hư hỏng xảy ra đối với hàng hóa. Rủi ro đó có thể do lỗi chủ quan của con người hoặc do các hiện tượng khách quan gây nên (do thời tiết, do tai nạn bất ngờ, do tính chất của hàng hóa,…). Những rủi ro đó có thể gây ra thiệt hại lớn cho một hoặc các bên, do đó khi giao kết hợp đồng các bên cần phải lưu ý kỹ đến điều khoản chuyển rủi ro này.
Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa?
Về nguyên tắc chuyển rủi ro trước hết pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các bên: Các bên đã thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro thì thời điểm chuyển rủi ro được xác định theo thỏa thuận đã xác lập.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm chuyển rủi ro của hàng hóa căn cứ theo quy định tại Luật Thương mại năm 2005
Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được ủy quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa.
Chuyển rủi ro trong trường hợp này sẽ là thời điểm bên giao hàng giao được hàng cho bên mua và bên mua hoặc người đại diện bên mua đã nhận hàng. Còn nếu trước đó hàng hóa có xảy ra bất cứ tổn thất nào bên bán sẽ phải chịu trách nhiệm.
Ví dụ, hai bên thỏa thuận thời điểm bên bán giao hàng và bên mua nhận hàng là 15h ngày 25/9/2023 tại một địa điểm xác định. Đúng 15h ngày 25/9/2023, bên bán đã chuẩn bị hàng hóa sẵn sàng giao cho bên mua, nhưng tại thời điểm đó, bên mua vẫn chưa tới nhận hàng. Vào 15 giờ 20 phút, trời đổ mưa to, một bộ phận hàng đã bị ngấm nước. Trường hợp này, bên phải chịu rủi ro là bên mua vì đã vi phạm nghĩa vụ nhận hàng.
Cũng ví dụ này nhưng thời gian giao, nhận hàng được quy định: bên bán giao hàng cho bên mua vào ngày 25/9/2023 và bên mua có quyền nhận hàng vào bất kì thời điểm nào trong ngày 25/9/2023. Vào 15 giờ 20 phút cùng ngày, trời đổ mưa và một bộ phận hàng hóa bị ẩm ướt, lúc này bên bán sẽ là bên phải chịu rủi ro vì tuy bên mua chưa nhận hàng nhưng không bị vi phạm nghĩa vụ nhận hàng, vì thời gian quy định cho việc bên mua nhận hàng chưa hết.
Từ đó cho thấy, trong trường hợp chuyển rủi ro này, bên vi phạm nghĩa vụ giao – nhận hàng sẽ là bên phải gánh chịu rủi ro.
Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.
Trường hợp này rủi ro sẽ được chuyển từ bên bán sang bên mua; từ thời điểm mà người vận chuyển đầu tiên được bên bán giao hàng . Sau khi người vận chuyển đầu tiên nhận hàng nếu hàng hóa có xảy ra mất mát hoặc hư hỏng bên mua sẽ phải chịu trách nhiệm.
Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hàng hóa đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa;
– Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua.
Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.
Đây là trường hợp có thể xảy ra nhầm lẫn trong cách hiểu và áp dụng. “Hàng hóa đang trên đường vận chuyển” theo quy định của này là đối tượng của hợp đồng mà hai bên kí kết, thay vì có vị trí cố định, thì hàng hóa đó đang trên đường vận chuyển khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Chứ không phải là trường hợp hàng hóa đã trở thành đối tượng trong hợp đồng giao kết và đang trong thời gian vận chuyển từ bên bán qua cho bên mua. Rủi ro được chuyển qua cho bên mua trong trường hợp này là ngay khi các bên tiến hành giao kết hợp đồng. Hai ví dụ để minh họa cho vấn đề đang được bình luận:
Ví dụ
Ví dụ thứ nhất, hai bên trong hợp đồng thỏa thuận: bên bán (có trụ sở tại Nghệ An) giao hàng cho bên mua tại kho của bên mua (có trụ sở tại Đà Nẵng). Trong quá trình vận chuyển hàng hóa từ Nghệ An vào Đà Nẵng, tới Huế thì gặp phải sự cố về thời tiết nên hàng bị hư hỏng. Đây không phải là trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển, mà là hàng hóa đã được mua bán và đang trong thời gian vận chuyển. Do bên bán chưa giao hàng đến được địa điểm xác định mà các bên thỏa thuận, nên bên bán sẽ phải gánh chịu rủi ro.
Ví dụ thứ hai, bên A (có trụ sở tại Việt Nam) thỏa thuận bán cho bên B (có trụ sở tại Lào) một số lượng gia cầm và bên A chịu trách nhiệm giao hàng đến trụ sở của B. Khi xe chuyên chở gia cầm của bên A đang trên đường giao hàng cho bên B, tới cửa khẩu Cha Lo của Việt Nam chuẩn bị làm thủ tục xuất khẩu thì bên A nhận được thông báo của bên B rằng tại Lào đang xuất hiện vùng dịch và hàng hóa là gia cầm bị cấm nhận khẩu, vì vậy bên A không thể giao hàng tới và bên B cũng không thể nhận hàng.
Lúc này bên C (trụ sở tại Việt Nam) biết tin bên A có lượng gia cầm đó và có nhu cầu mua lại, bên A đồng ý và hai bên tiến hành giao kết hợp đồng. Như vậy, kể từ thời điểm bên A và bên C giao kết hợp đồng, thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng đối với số gia cầm trên được chuyển giao cho bên mua. Đây là trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển.
Chuyển rủi ro khi mua bán hàng hóa trong các trường hợp khác
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp sau:
– Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;
– Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.
Làm thế nào để hạn chế rủi ro trên khi mua bán hàng hóa?
Để hạn chế rủi ro khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa; các bên cầu chú ý cần chú ý đến các điều kiện có thể xảy ra khi thực hiện hợp đồng. Từ đó có các thỏa thuận đưa ra điều kiện tối ưu quyền lợi nhất cho các bên.
Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp các loại hợp đồng. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới các nhà đầu tư dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận