Để tranh chấp đất đai được giải quyết hiệu quả mà vẫn đảm bảo được lợi ích của nhà nước, xã hội và các bên tranh chấp, pháp luật đã đặt ra những nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai. Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu về những nguyên tắc đó trong bài viết dưới đây!
Căn cứ pháp lí
Tranh chấp đất đai là gì?
Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định như sau: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP có thể hiểu tranh chấp đất đai là tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất như tranh chấp về ranh giới do hành vi lấn chiếm,..
Cần phải phân biệt rõ tranh chấp đất đai và tranh chấp liên quan đến đất đai. Vì thủ tục giải quyết hai loại tranh chấp này là khác nhau. Tranh chấp đất đai bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải tại cơ sở, trong khi các tranh chấp liên quan đến đất đai thì không.
Các tranh chấp sau là tranh chấp liên quan đến đất đai:
- Tranh chấp về giao dịch (mua bán), chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở.
- Tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất.
- Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn.
Giải quyết tranh chấp đất đai
Giải quyết tranh chấp đất đai là việc tìm ra giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết thông qua hòa giải ở cơ sở.
Khi các bên không hòa giải được thì gửi đơn yêu cầu hòa giải đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải (Điều 202 Luật Đất đai 2013). Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau.
- Trường hợp đất đai có giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013, các bên tranh chấp có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân nơi có đất tranh chấp.
- Trường hợp đất đai không có giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 thì các bên tranh chấp có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền ( cấp huyện, tỉnh) giải quyết hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai
Nguyên tắc thứ nhất
Đảm bảo đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thực hiện vai trò là người đại diện cho chủ sở hữu
Khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013 đã quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Quy định này có nghĩa là toàn bộ đất đai trên lãnh thổ Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lí. Cá nhân, hộ gia đình chỉ là những chủ thể được nhà nước giao đất để sử dụng chứ không có quyền sở hữu đối với đất đai.
Do đó, đối tượng của mọi tranh chấp đất đai phát sinh chỉ là quyền quản lý và quyền sử dụng đất chứ không phải là quyền sở hữu đối với đất đai. Vì vậy, khi giải quyết các tranh chấp đất đai, phải tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai mà Nhà nước là người đại diện; bảo vệ quyền đại diện sở hữu đất đai của Nhà nước; bảo vệ thành quả cách mạng về đất đai mà nhân dân ta đã giành được
Nguyên tắc thứ hai
Bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất nhất là lợi ích kinh tế, khuyến khích việc tự hòa giải, thương lượng trong nội bộ quần chúng nhân dân.
Luật đất đai năm 2013 quy định người sử dụng đất có 5 quyền sau: quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất. Những quy định này đã khẳng định tư tưởng đổi mới trong quá trình Nhà nước điều hành các quan hệ xã hội về đất đai. Việc tôn trọng các quyền của người sử dụng đất và tạo điều kiện để họ phát huy tối đa các quyền là nguyên tắc quan trọng của Luật đất đai.
Thực tế chứng minh rằng, nếu lợi ích của người sử dụng đất không được đảm bảo thì việc sử dụng đất không thể đạt được hiệu quả mong muốn, không thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để bảo vệ một cách tốt nhất những lợi ích thiết thân đó, pháp luật cho phép các bên tranh chấp thương lượng và tiến hành hòa giải, bàn bạc theo ý của mỗi bên, từ đó đưa ra được giải pháp, Đó cũng là cơ sở quan trọng đảm bảo quyền tự do định đoạt cho các đương sự. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chỉ thụ lý đơn khi các bên đã tiến hành qua thủ tục này mà không đạt được sự nhất trí cần thiết.
Nguyên tắc thứ ba
Việc giải quyết tranh chấp đất đai phải nhằm mục đích ổn định tình hình kinh tế – xã hội, gắn việc giải quyết tranh chấp đất đai với việc tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện cho lao động ở nông thôn có việc làm phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Do ảnh hưởng tiêu cực của tranh chấp đất đai đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội nên việc giải quyết các tranh chấp đất đai phải nhằm vào mục đích bình ổn các quan hệ xã hội. Chú ý đảm bảo quá trình sản xuất của người dân, tránh làm ảnh hưởng dây chuyền đến cơ cấu sản xuất chung.
Tóm lại, việc đặt ra các nguyên tắc giải quyết đất đai nhằm đảm bảo được lợi ích của nhà nước, xã hội và các chủ thể có quyền sử dụng đất.
Trên đây là những giải đáp của chúng tôi về nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai. Chúng tôi hi vọng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho quý khách khi tìm hiểu về đất đai.
Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park View, Số 3 đường Vũ Phạm Hàm, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận