Ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam - một thị trường tiềm năng và đầy hứa hẹn. Vậy khi thực hiện hoạt động đầu tư vào thương mại điện tử, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý những gì về quy định pháp luật Việt Nam? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Nhà đầu tư nước ngoài là gì?
Theo quy định tại khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 về nhà đầu tư nước ngoài: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh theo pháp luật Việt Nam.
Như vậy, đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam là việc các nhà đầu tư ở nước ngoài (doanh nghiệp hoặc cá nhân) bỏ tài sản hoặc vốn đầu tư vào Việt Nam theo những hình thức mà pháp luật đề ra.
Hoạt động thương mại điện tử có phải là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật hay không?
Căn cứ tại Mục 59 Phụ lục IV được ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020 quy định về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như sau:
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
STT | NGÀNH, NGHỀ |
58 | Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp |
59 | Hoạt động thương mại điện tử |
60 | Hoạt động dầu khí |
… | … |
Như vậy, hoạt động thương mại điện tử là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường như thế nào?
Các điều ước quốc tế về điều kiện tiếp cận thị trường
Trong khi WTO không đưa ra cam kết liên quan đến việc tiếp cận thị trường trong lĩnh vực thương mại điện tử, CPTPP lại quy định cụ thể về việc Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng và duy trì bất kỳ biện pháp nào không phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo Điều XVI của Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ của WTO (GATS).
Theo đó, có thể hiểu rằng trong lĩnh vực thương mại điện tử, Việt Nam có thể quy định các điều kiện tiếp cận thị trường và nhà đầu tư nước ngoài buộc phải tuân thủ.
Quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện tiếp cận thị trường
Thứ nhất, căn cứ tại Điều 67c Nghị định 52/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 24 ĐIều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP thì các điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ thương mại điện tử như sau:
(1) Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư kinh doanh hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 21 Luật Đầu tư 2020, cụ thể nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm:
+ Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, hoặc
+ Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
(2) Nhà đầu tư nước ngoài chi phối từ 01 doanh nghiệp trở lên thuộc nhóm 05 doanh nghiệp dẫn đầu thị trường dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam theo danh sách do Bộ Công Thương công bố phải có ý kiến thẩm định về an ninh quốc gia của Bộ Công an.
Lưu ý
Đối với điều kiện tiếp cận thị trường thứ 2 thì nhà đầu tư nước ngoài được coi là chi phối doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ quyền sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc trên 50% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp;
- Nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp;
- Nhà đầu tư có quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm:
+ Việc lựa chọn nền tảng công nghệ, hình thức tổ chức kinh doanh; lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh;
+ Lựa chọn điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh;
+ Lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ và sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Thứ hai, căn cứ theo Khoản 2 Điều 67a Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, quy định này áp dụng đối với các thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam (hay nói cách khác là hình thức cung cấp dịch vụ qua biên giới) mà không phát sinh hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Trường hợp đầu tư tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài buộc phải thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam, như đã đề cập ở trên.
Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư kinh doanh về thương mại điện tử có phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh không?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP quy định về việc cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ như sau:
Cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ
Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:
a) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
b) Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa quy định tại điểm b khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
c) Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa quy định tại điểm c khoản 4 Điều 9 Nghị định này;
d) Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
đ) Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
e) Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
g) Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
h) Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
i) Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.
Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì đối với nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào doanh nghiệp, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh để được hoạt động.
Trong đó, theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì dịch vụ thương mại điện tử là hoạt động thương mại theo đó bên cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thiết lập website thương mại điện tử để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ.
Dịch vụ tư vấn đầu tư của OTIS Lawyers
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và thực hiện các thủ tục xin giấy phép đầu tư, điều chỉnh, thay đổi, gia hạn Giấy Chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới các nhà đầu tư dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận