OTIS LAWYERS xin gửi đến bạn đọc bản tin pháp luật 05/04/2025 ~ 11/04/2025. Những chính sách mới, những cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội nói chung. Và thông tin về lĩnh vực pháp luật nói riêng sẽ được chúng tôi tổng hợp trong bản tin pháp luật 05/04/2025 ~ 11/04/2025 dưới đây.
Rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo tiền khả thi, khả thi dự án PPP
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2025/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định số 35/2021/NĐ-CP liên quan đến thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), với mục tiêu rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả triển khai dự án. Theo đó:
(1) Rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi:
- Dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ: giảm từ 45 ngày còn 30 ngày.
- Dự án thuộc thẩm quyền Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, HĐND cấp tỉnh: giảm từ 30 ngày còn 14 ngày.
- Dự án chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng: thời gian thẩm định không quá 10 ngày.
- Dự án cần đẩy nhanh tiến độ: Chủ tịch Hội đồng thẩm định được quyền quyết định thời gian phù hợp.
(2) Rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi:
- Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng: giảm từ 90 ngày xuống còn 30 ngày.
- Dự án thuộc thẩm quyền Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, cơ quan trung ương khác: giảm từ 60 ngày xuống còn 14 ngày.
- Dự án thuộc khoản 2a, 2b, 2c Điều 11 Luật PPP: thời gian không quá 10 ngày.
- Tương tự, Chủ tịch Hội đồng thẩm định có thể quyết định rút ngắn thời gian nếu dự án có yêu cầu đặc biệt.
Chỉ thị số 10/CT-TTg: Động lực mới cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngày 25/3/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg – một bước đi được đánh giá là kịp thời và cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, năng lực cạnh tranh sau giai đoạn phục hồi hậu COVID-19. Chỉ thị số 10 thể hiện sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm chính trị cao của Chính phủ đối với khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là DNVVN – lực lượng chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp cả nước. Chỉ thị 10 hướng đến tháo gỡ các nút thắt lớn nhất của DNNVV hiện nay, thông qua các nhóm giải pháp thực tế:
- Tăng cường liên kết với các dự án trọng điểm quốc gia: Yêu cầu dành tối thiểu 30% giá trị đơn hàng cho DNVVN trong nước khi triển khai các dự án lớn (cao tốc, sân bay, đường sắt...).
- Cải thiện tiếp cận vốn: Mở rộng hình thức cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai, phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp không đủ tài sản thế chấp.
- Cải cách thể chế: Giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ, và rà soát, cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết.
- Phân giao KPI cụ thể: Giao chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp cho từng địa phương, tăng vai trò giám sát, phản biện của Hiệp hội DNVVN Việt Nam trong theo dõi tiến độ thực hiện.
Sớm xây dựng, ban hành Luật Thương mại điện tử
Trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và các mô hình kinh doanh mới, việc quản lý lĩnh vực thương mại điện tử đang đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, việc sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo quản lý hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển bền vững của lĩnh vực này. Theo đó, 5 nhóm chính sách lớn được đề xuất trong dự thảo luật:
- Bổ sung, thống nhất các khái niệm pháp lý;
- Quy định rõ các hình thức, chủ thể và trách nhiệm quản lý;
- Làm rõ vai trò của đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử;
- Thiết lập cơ chế chứng thực hợp đồng điện tử;
- Định hướng phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững.
Bộ Công Thương đã chuẩn bị hồ sơ xây dựng luật và lấy ý kiến rộng rãi từ các bộ, ngành, địa phương và công khai trên cổng thông tin điện tử từ tháng 1/2025. Tại Hội nghị tham vấn ngày 9/4/2025, các ý kiến đều thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Thương mại điện tử, đồng thời đề xuất nghiên cứu thêm về các mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc thù, và vai trò trung gian của các nền tảng.
Đề xuất quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH. Một số điểm nổi bật của dự thảo bao gồm:
(1) Quy định riêng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH: Dự thảo dành 1 chương riêng (gồm 16 điều, chia thành 3 mục) để quy định về giao dịch điện tử.
(2) Rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính: Giảm thời gian giải quyết của cơ quan BHXH đối với các đề nghị đăng ký, điều chỉnh, ngừng sử dụng giao dịch điện tử từ 3 ngày làm việc xuống còn 2 giờ làm việc. Đồng thời bỏ quy định yêu cầu Tổ chức I-VAN cung cấp thông tin định kỳ và đột xuất.
(3) Bổ sung quy định về sổ BHXH điện tử:
- Sổ BHXH điện tử sẽ thay thế sổ giấy và có giá trị pháp lý tương đương.
- Được cấp cho từng cá nhân tham gia BHXH trên môi trường điện tử, chứa đầy đủ thông tin về quá trình tham gia, đóng và hưởng BHXH.
- Liên kết với tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (VNeiD).
- Người lao động có thể nhận và tra cứu sổ trên thiết bị điện tử cầm tay.
- Thời hạn cấp sổ BHXH điện tử chậm nhất là ngày 01/01/2026.
Hà Nội và TP HCM ban hành các tiêu chuẩn về khí thải trong tháng 5/2025
Theo Thông báo 153/TB-VPCP năm 2025 về kết luận tại cuộc họp bàn giải pháp xử lý ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Hà Nội và TP HCM được giao nhiều nhiệm vụ cụ thể nhằm kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí. Theo đó, các nhiệm vụ chính bao gồm:
- Kiểm kê nguồn thải và đánh giá môi trường không khí: Xây dựng kế hoạch hành động 5 năm và hằng năm nhằm giảm khí thải theo từng ngành nghề, gắn với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
- Di dời cụm công nghiệp: Nghiên cứu chuyển các cụm công nghiệp ra khỏi khu dân cư, hình thành khu công nghiệp tập trung dễ quản lý khí thải hơn.
- Ban hành tiêu chuẩn khí thải mới: Trong tháng 5/2025, Hà Nội và TP HCM sẽ ban hành các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn quy chuẩn quốc gia.
- Tăng cường tái chế chất thải: Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ thu gom và tái chế chất thải rắn xây dựng.
- Giám sát và xử lý vi phạm: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định môi trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
- Khuyến khích giao thông xanh: Thúc đẩy sử dụng phương tiện công cộng, xe ít phát thải để giảm ô nhiễm từ giao thông cá nhân
Trên đây là bản tin pháp luật 05/04/2025 ~ 11/04/2025. Về những thông tin, tin tức cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Hy vọng bản tin của OTIS LAWYERS sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin chân thành cảm ơn!
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận