Khi mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động rạn nứt và phát sinh tranh chấp thì cần phải có các cách thức để giải quyết tranh chấp lao động. Vậy để giải quyết tranh chấp lao động phải dựa trên những nguyên tắc nào?. Dưới đây, OTIS LAWYERS xin chia sẻ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật lao động năm 2019.
Cơ sở pháp lý
Tranh chấp lao động là gì?
Khoản 1 Điều 179 Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ) quy định:
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Chủ thể của tranh chấp lao động bao gồm người lao động (NLĐ), tập thể NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ). Ngoài ra sẽ có một số chủ thể khác cũng là chủ thể của tranh chấp lao động như các doanh nghiệp, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng, NLĐ thuê lại với NSDLĐ thuê lại,..
Nội dung của tranh chấp lao động là bất đồng, xung đột về quyền, lợi ích của các chủ thể trong quan hệ lao động và phải diễn ra trong quá trình lao động.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động được quy định tại Điều 180 Bộ luật lao động năm 2019
Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động
Nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng ý chí của chủ thể trong giải quyết các vấn đề của chính họ trong quan hệ lao động. Các bên tranh chấp chính là người hiểu rõ nhất yêu cầu, mục đích và khả năng đảm bảo thực hiện của mình trong giải quyết tranh chấp lao động. Bên cạnh đó, nguyên tắc này cũng đảm bảo cho việc giải quyết hài hòa quyền lợi của các bên, phù hợp với điều kiện của mỗi bên, tiến tới ổn định và duy trì quan hệ lao động, ngăn ngừa những diễn biến cũng như hậu quả xấu của tranh chấp lao động.
Nguyên tắc này rất có ý nghĩa đối với việc giải quyết tranh chấp lao động, giúp cho các bên hiểu biết lẫn nhau, việc giải quyết tranh chấp lao động được nhanh chóng và đơn giản hóa các thủ tục giải quyết và tăng cường cơ hội duy trì quan hệ sau tranh chấp.
Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
Giải quyết tranh chấp lao động bằng thủ tục hòa giải, trọng tài là bước tiếp nối sau thương lượng và cũng là những giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp lao động, đặc biệt là với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Đây là phương thức giải quyết tranh chấp ít tốn kém về mặt thời gian, chi phí. Đồng thời, sau khi giải quyết tranh chấp, khả năng khôi phục quan hệ cao hơn là giải quyết tại tòa án.
Tuy nhiên trên thực tế, công tác hòa giải chỉ có hiệu quả khi các bên tranh chấp có thiện chí và người hòa giải phải hiểu rõ được nội dung tranh chấp, nguyên nhân để từ đó có thể định hướng phiên hòa giải, đảm bảo được quyền và lợi ích của các bên tranh chấp.
Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
Cơ sở của nguyên tắc này xuất phát từ mục đích của giải quyết tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên và giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Tranh chấp lao động, đặc biệt là tranh chấp lao động tập thể là những tranh chấp có tính phức tạp, có sức ảnh hưởng rộng. Nếu không giải quyết kịp thời, nhanh chóng, công khai có thể dẫn đến những phản ứng công nghiệp, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Để giải quyết dứt điểm tranh chấp lao động, hạn chế những ảnh hưởng xấu của tranh chấp lao động thì nguyên tắc này chính là điều kiện tiên quyết.
Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
Sự tham gia của đại diện các bên trong giải quyết tranh chấp lao động chính là một trong những nguyên tắc cơ bản của các bên trong quan hệ lao động và đặc biệt có ý nghĩa đối với người lao động. Sự tham gia của đại diện các bên thể hiện ở việc tham gia với tư cách là người giải quyết tranh chấp trong thành phần của Hội đồng trọng tài lao động. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, đại diện các bên có quyền tham gia, đưa ra các ý kiến bảo vệ quyền và lợi ích cho bên tranh chấp.
Khi thực hiện nguyên tắc này trên thực tiễn cần chú ý tránh lạm dụng hoặc ảnh hưởng của đại diện các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Quy định này thể hiện quyền tự định đoạt của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động , theo đó việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Nhìn chung, BLLĐ năm 2019 đã quy định các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động tương đối cụ thể, đảm bảo việc giải quyết tranh chấp lao động công bằng, bảo vệ được quyền và lợi ích của các bên tranh chấp. Các nguyên tắc này cũng hướng tới việc làm ổn định, hài hòa các quan hệ lao động, bảo đảm ổn định sản xuất.
Dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp lao động của OTIS LAWYERS
Nếu quý khách còn có thắc mắc hoặc hiện đang có tranh chấp lao động hãy liên hệ ngay để được hỗ trợ và giải đáp. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những tư vấn và dịch vụ có: quy trình đơn giản nhất; thời gian tiếp nhận và xử lý nhanh nhất; chi phí tiết kiệm nhất; mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park View, Số 3 đường Vũ Phạm Hàm, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận