Một bạn nhân viên bên mình gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Thật may là bạn ấy chỉ bị xây xát nhẹ và không có thiệt hại gì cả. Tuy nhiên tôi có một thắc mắc muốn hỏi luật sư. Trong trường hợp mà bạn nhân viên bên mình gặp tai nạn nặng hơn ảnh hưởng đến khả năng làm việc, thì đây có được coi là tai nạn lao động hay không? Và nếu có thì liệu chủ cửa hàng là tôi có phải hỗ trợ gì cho bạn đó không? Xin cảm ơn luật sư.
Trước tiên, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho OTIS LAWYERS. Đối với câu hỏi của bạn, các luật sư của chúng tôi có câu trả lời như sau:
Cơ sở pháp lý
Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tai nạn lao động là gì?
Căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thuật ngữ tai nạn lao động (TNLĐ) được hiểu như sau:
“TNLĐ là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”.
Như vậy, những tai nạn làm ảnh hưởng đến sức khỏe hay tính mạng của người lao động, diễn ra trong quá trình lao động hay trong quá trình thực hiện công việc và nhiệm vụ lao động, thì được coi là TNLĐ.
Điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động
Căn cứ theo Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn nêu trên
Do đó, trong trường hợp của bạn. Nếu nhân viên đó có tham gia bảo hiểm lao động; thì khi gặp tai nạn trên đường đi làm về, họ sẽ được hưởng chế độ TNLĐ.
Còn nếu nhân viên của bạn bị tai nạn giao thông; nhưng không phải là trong lúc đang đi làm hoặc đang về nhà; thì không được nhận chế độ TNLĐ. Họ chỉ được nhận chế độ ốm đau theo mục 1 Chương III Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Hỗ trợ của người sử dụng lao động trong trường hợp có tai nạn lao động xảy ra
Căn cứ theo khoản 2 Điều 39 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:
“Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý; nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn; thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này.”

Hoặc bạn có thể tham khảo cách tính mức trợ cấp TNLĐ, được quy định tại Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH dưới đây:
Điều 4. Trợ cấp tai nạn lao động
- Người lao động bị TNLĐ làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ được hưởng chế độ trợ cấp TNLĐ, nếu nguyên nhân xảy ra TNLĐ hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra (căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra TNLĐ).
- Nguyên tắc trợ cấp: TNLĐ xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
- Mức trợ cấp:
a) Ít nhất 12 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do TNLĐ;
b) Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tính theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này:
Ttc = Tbt x 0,4
Trong đó:
- Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương);
- Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng tiền lương).
Ví dụ:
- Ông B bị TNLĐ lần thứ nhất do ông B đã vi phạm quy định về an toàn lao động, không do lỗi của ai khác. Giám định sức khỏe xác định mức suy giảm khả năng lao động của ông B là 15% do vụ tai nạn này. Mức trợ cấp lần thứ nhất cho ông B là:
Ttc = Tbt x 0,4 = 3,5 x 0,4 =1,4 (tháng tiền lương).
- Lần tiếp theo ông B bị tai nạn khi đi từ nơi làm việc về nơi ở (được điều tra và xác định là thuộc trường hợp được trợ cấp theo quy định tại khoản 1 Điều này). Giám định sức khỏe xác định mức suy giảm khả năng lao động do lần tai nạn này là 20%. Mức trợ cấp lần thứ hai cho ông B là:
Ttc = Tbt x 0,4 = 5,5 x 0,4 = 2,2 (tháng tiền lương).
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: K28 - Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận