OTIS LAWYERS xin gửi đến bạn đọc bản tin pháp luật 12/04/2025 ~ 18/04/2025. Những chính sách mới, những cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội nói chung. Và thông tin về lĩnh vực pháp luật nói riêng sẽ được chúng tôi tổng hợp trong bản tin pháp luật 12/04/2025 ~ 18/04/2025 dưới đây.
Hỗ trợ tới 10.000 tỷ cho doanh nghiệp sản xuất bán dẫn có công suất tối thiểu 1.000 wafer/tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2025/NĐ-CP, quy định hỗ trợ tài chính lên đến 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt Nam (thành lập hợp pháp, đã tham gia nghiên cứu–thiết kế–sản xuất chip) đầu tư xây dựng nhà máy chip bán dẫn quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế thử, kiểm chứng và sản xuất chip chuyên dụng. Cụ thể:
(1) Tiêu chí công nghệ & công suất:
- Công nghệ: Si‑CMOS ≤ 65 nm hoặc Compound ≤ 250 nm;
- Công suất: ≥ 1.000 wafer/tháng;
- Thời hạn vận hành: Nhà máy phải nghiệm thu, đi vào sản xuất trước 31/12/2030.
(2) Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp: Ưu tiên theo thứ tự
- Kích thước node nhỏ nhất (công nghệ cao nhất);
- Công suất đề xuất cao hơn;
- Đầu tư tổng mức thấp hơn;
- Vốn chủ sở hữu cao hơn.
(3) Mức hỗ trợ tài chính:
- 30% tổng giá trị quyết toán dự án (đã kiểm toán);
- Không vượt quá 10.000 tỷ đồng;
- Giải ngân theo tiến độ, tối đa 2 lần/năm, từ nguồn ngân sách trung ương (dự toán giao Bộ Khoa học & Công nghệ).
Tiêu chí xác định doanh nghiệp quy mô lớn được kiểm toán từ 14/4/2025
Nghị định 90/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 17/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 14/4/2025, quy định các tiêu chí xác định doanh nghiệp có quy mô lớn cần phải được kiểm toán. Cụ thể, doanh nghiệp được xác định là có quy mô lớn nếu thỏa mãn ít nhất 2 trong 3 tiêu chí sau:
- Số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 200 người trở lên.
- Tổng doanh thu năm từ 300 tỷ đồng trở lên.
- Tổng tài sản từ 100 tỷ đồng trở lên.
Các doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện kiểm toán độc lập theo Luật Kiểm toán độc lập. Nghị định cũng hướng dẫn chi tiết về cách tính các tiêu chí trên, bao gồm số lao động tham gia bảo hiểm xã hội, doanh thu và tổng tài sản. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp không thỏa mãn các tiêu chí trong 2 năm liên tiếp, sẽ không phải thực hiện kiểm toán bắt buộc cho đến khi lại đáp ứng các tiêu chí này.
Không bắt buộc chỉnh lý đồng loạt GCN quyền sử dụng đất sau sáp nhập
Ngày 11/4/2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Công văn số 991/BNNMT-QLĐĐ hướng dẫn việc chỉnh lý hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Một trong những điểm đáng chú ý của công văn là:
- Không bắt buộc chỉnh lý đồng loạt Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Việc chỉnh lý chỉ thực hiện khi có nhu cầu của người sử dụng đất hoặc khi làm thủ tục hành chính liên quan.
- Thông tin thay đổi trên GCN (số tờ, số thửa, địa chỉ...) được chỉnh lý theo Thông tư 10/2024/TT-BTNMT và Nghị định 101/2024/NĐ-CP. Trường hợp không đủ chỗ ghi chú thay đổi trên GCN cũ, sẽ cấp GCN mới.
- Sổ địa chính điện tử được cập nhật theo hướng dẫn tại Mẫu số 01/ĐK thuộc Phụ lục số 06 của Thông tư 10/2024/TT-BTNMT.
Công văn cũng khẳng định nguyên tắc: Hồ sơ địa chính phải được chỉnh lý đồng thời với cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực hiện thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Không yêu cầu doanh nghiệp thay đổi thông tin địa chỉ khi có thay đổi địa giới hành chính
Ngày 2025, Bộ Tài chính ban hành Công văn số 4370/BTC-DNTN hướng dẫn cụ thể về đăng ký kinh doanh khi có thay đổi địa giới hành chính. Theo đó:
- Doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã… không bắt buộc thay đổi thông tin địa chỉ do sự thay đổi địa giới hành chính.
- Vẫn sử dụng Giấy chứng nhận đã cấp: Các loại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi nhánh, văn phòng đại diện… vẫn có giá trị pháp lý, không cần cấp lại.
- Không bắt buộc cập nhật địa chỉ, trừ khi doanh nghiệp có nhu cầu hoặc đồng thời thực hiện thủ tục thay đổi nội dung khác trong hồ sơ đăng ký.
- Yêu cầu phổ biến thông tin: Cơ quan đăng ký kinh doanh các cấp cần thông tin rộng rãi để doanh nghiệp và các tổ chức kinh doanh biết, chủ động thực hiện thủ tục hành chính.
Yêu cầu 100% hộ kinh doanh đăng ký thành lập trên VNeID
Theo Thông báo 171/TB-VPCP của Chính phủ về việc cắt giảm thủ tục hành chính và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, Chính phủ yêu cầu 100% hộ kinh doanh đăng ký thành lập trên nền tảng VNeID, tương tự như doanh nghiệp. Theo đó, các cơ quan cần thực hiện:
- Làm sạch dữ liệu và sử dụng VNeID để thực hiện các thủ tục như mở tài khoản ngân hàng, đăng ký thuê bao, đăng ký doanh nghiệp, thuế, bảo hiểm, và chữ ký số.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 598/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hoàn thành trong tháng 4/2025.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu và đề xuất nhiệm vụ ứng dụng định danh điện tử trên VNeID, bao gồm xác thực sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đặc biệt ưu tiên cho hàng hóa nông nghiệp.
Sàn thương mại điện tử có thể trừ thuế của người bán khi đơn hàng thành công
Bộ Tài chính đề xuất sàn thương mại điện tử (TMĐT) khấu trừ và nộp thay thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân cho người bán ngay khi đơn hàng được xác nhận và thanh toán thành công. Thuế sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu từng giao dịch, với mức từ 0,5% đến 5% tùy loại hàng hóa, dịch vụ và tình trạng cư trú của người bán. Tuy nhiên, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đề nghị lùi thời điểm áp dụng từ ngày 1/4 sang 1/7/2025 để đồng bộ với Luật Thuế GTGT 2024 và có thêm thời gian hoàn thiện hướng dẫn thi hành, do hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc và thiếu thống nhất trong triển khai.
Hà Nội sẽ thực hiện kiểm tra lĩnh vực thuế tại 11 quận, huyện
Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1924/QĐ-UBND về việc kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế trên địa bàn Thành phố. Theo Quyết định, việc kiểm tra này sẽ được thực hiện tại các Chi cục Thuế Khu vực I và Đội Thuế của 11 quận, huyện từ Quý III năm 2025.
(1) Nội dung kiểm tra:
- Quản lý nhà nước: Đánh giá công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
- Áp dụng pháp luật xử phạt: Kiểm tra việc áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính thuế.
(2) Trách nhiệm của đơn vị bị kiểm tra:
- Tiếp nhận Kế hoạch và Quyết định kiểm tra.
- Soạn thảo báo cáo thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo Đề cương, gửi về Sở Tư pháp trước 3 ngày làm việc.
- Cung cấp hồ sơ, tài liệu, giải trình đầy đủ, bố trí công tác và điều kiện làm việc cho Đoàn kiểm tra.
Trên đây là bản tin pháp luật 05/04/2025 ~ 11/04/2025. Về những thông tin, tin tức cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Hy vọng bản tin của OTIS LAWYERS sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin chân thành cảm ơn!
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận