Hiện nay các cuộc thi sắc đẹp, hoa hậu, hoa khôi được tổ chức liên tục với tần suất chóng mặt. Có khi trong vòng một đêm cả nước đã có thêm 2 hoa hậu. Việc tổ chức thì nhiều tuy nhiên không phải ai cũng biết các cuộc thi sắc đẹp quy mô như vậy thì cần phải xin phép, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu về điều kiện, thủ tục cấp phép tổ chức cuộc thi sắc đẹp theo quy định hiện nay.
Cuộc thi sắc đẹp nào thì cần phải xin cấp phép theo quy định pháp luật hiện nay?
Việc tổ chức cuộc thi sắc đẹp hay còn gọi là cuộc thi người đẹp, người mẫu được pháp luật quy định tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Cụ thể, hiện nay có 3 hình thức tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu:
- Cuộc thi dành cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan và tổ chức. (VD: các cuộc thi hoa khôi trong các trường đại học, doanh nghiệp….)
- Cuộc thi không dành cho tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nội bộ của cơ quan và tổ chức. (VD: các cuộc thi người đẹp, hoa hậu trên phạm vi toàn quốc hiện nay)
- Cuộc thi không trực tiếp trước công chúng.

Trong đó, có hai hình thức không phải xin cấp phép mà chỉ cần thông báo và và đảm bảo trách nhiệm của người tổ chức trong quá trình tổ chức cuộc thi. Đó là hình thức thứ nhất và hình thức thứ ba. Hình thức thứ nhất, là một cuộc thi mang tính nội bộ, phạm vi hẹp . Vì vậy cơ quan, tổ chức tổ chức cuộc thi dưới hình thức này có trách nhiệm thông báo tới UBND cấp huyện nơi tổ chức cuộc thi trước khi tổ chức. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch đã được phê duyệt. Trình tự tiếp nhận thông báo được quy định tại Khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2020. Với hình thức cuộc thi không trực tiếp trước công chúng, đây có thể coi là các cuộc thi trực tuyến. Các cuộc thi này được phép đăng tải trên hệ thống phát thanh, truyền hình và môi trường mạng nhưng người đăng, phát phải chịu trách nhiệm.
Hình thức tổ chức cuộc thi sắc đẹp thứ hai, cũng chính là hình thức phổ biến nhất hiện nay đó là các cuộc thi sắc đẹp có phạm vi, quy mô lớn, không trong phạm vi của một cơ quan hay tổ chức nào cố định. Vì vậy các cuộc thi này cần phải xin phép và thực hiện quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2020.
Điều kiện, Trình tự thủ tục xin cấp phép tổ chức cuộc thi sắc đẹp dễ hay khó?
Điều 16 Nghị định 144/2020 có quy định rõ ràng về điều kiện và thủ tục tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu cụ thể như sau:
Điều kiện xin cấp phép tổ chức cuộc thi sắc đẹp
a) Là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật. Hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn. Tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật.
b) Phải đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.
c) Có văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu của UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.
Thẩm quyền chấp thuận, cấp phép tổ chức cuộc thi sắc đẹp
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan trực thuộc thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động tổ chức cuộc thi trên địa bàn đúng quy định của pháp luật.
Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục
a) Văn bản đề nghị tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 144/2020);
b) Đề án tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 144/2020).
Thủ tục cấp văn bản chấp thuận
a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền ít nhất 30 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức cuộc thi;
b) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản thông báo yêu cầu hoàn thiện hồ sơ;
c) Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, cấp văn bản chấp thuận tổ chức cuộc thi (theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) đồng thời đăng tải trên hệ thống thông tin điện tử. Trường hợp không chấp thuận, phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do;
d) Trường hợp thay đổi nội dung cuộc thi đã được chấp thuận, tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức cuộc thi có văn bản nêu rõ lý do gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đã chấp thuận phải xem xét, quyết định và thông báo kết quả bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân đề nghị;
đ) Trường hợp thay đổi thời gian, địa điểm tổ chức cuộc thi đã được chấp thuận, tổ chức, cá nhân đề nghị tổ chức cuộc thi có văn bản thông báo gửi trực tiếp; qua bưu chính hoặc trực tuyến tới cơ quan đã chấp thuận và chính quyền địa phương nơi tổ chức cuộc thi ít nhất 05 ngày làm việc trước ngày dự kiến tổ chức cuộc thi.
Xử lý vi phạm các cuộc thi sắc đẹp chưa được cấp phép thế nào?

Theo Khoản 5 Điều 12 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, người tổ chức cuộc thi người đẹp và người mẫu mà không có văn bản chấp thuận. Thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 25 - 30 triệu đồng. Đối với tổ chức, mức xử phạt hành chính với hành vi này là gấp đôi theo quy định tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 128/2022/NĐ-CP.
Căn cứ Điều 18 Nghị định 144/2020/NĐ-CP về việc thu hồi kết quả của cuộc thi sắc đẹp. Cá nhân tham gia cuộc thi sắc đẹp khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận không nằm trong những trường hợp bị thu hồi danh hiệu, giải thưởng.
Ngoài ra, cá nhân và tổ chức vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu từ 6 đến 12 tháng. Đồng thời nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm mà có.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: K28 - Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email:[email protected]
Bình luận