Xin cấp lý lịch tư pháp là một thủ tục pháp lý cần thiết đối với một số đối tượng nhất định. Những đối tượng nào cần phải xin cấp và được quyền xin cấp lý lịch tư pháp? Lý lịch tư pháp được sử dụng cho mục đích gì? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài chia sẻ sau đây.
Lý lịch tư pháp là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Phiếu lý lịch tư pháp gồm có:
a) Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp;
b) Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 điều 7 của Luật Lý lịch tư pháp và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Sự khác biệt cơ bản của 2 phiếu này là ở chỗ Phiếu lý lịch tư pháp số 1 chỉ ghi án tích chưa được xóa án. Nếu án đã được xóa thì ghi “không có án tích”. Phiếu số 2 ghi tất cả án tích mà không phân biệt đã được xóa hay chưa.
Lý lịch tư pháp để làm gì?
Việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp được sử dụng cho các mục đích dưới đây
Thứ nhất, Chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không
Thứ hai, Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án có thể tái hoà nhập cộng đồng.
Thứ ba, Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và hoạt động thống kê tư pháp hình sự.
Thứ tư, Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…
Thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp
Hiện tại, cơ quan có thẩm quyền cấp lý lịch tư pháp cho cá nhân hoặc tổ chức thuộc về trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp. Điều này, đồng nghĩa với việc những cơ quan ủy ban thuộc cấp xã, phường, huyện hoàn toàn không có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và cấp lý lịch tư pháp cho người dân. Theo quy định thì trung tâm lý lịch tư pháp và Sở tư pháp sẽ chịu trách nhiệm quản lý, tiếp nhận hồ sơ và cấp lý lịch tư pháp cho từng đối tượng, trường hợp thuộc thẩm quyền. Cụ thể:
Trung thâm lý lịch tư pháp quốc gia
- Công dân Việt Nam mà không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;
- Người nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam;
Sở Tư pháp có thẩm quyền
- Công dân Việt Nam thường trú hoặc tạm trú ở trong nước;
- Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài;
- Người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam.
Do đó, để tránh tránh trường hợp không được cấp lý lịch tư pháp bạn cần xác định rõ mình đang nằm trong trường hợp nào nêu trên để gửi hồ sơ lên đúng cơ quan có thẩm quyền thì yêu cầu của bạn mới được giải quyết.
Hướng dẫn cách làm lý lịch tư pháp
Xin lý lịch tư pháp trực tiếp tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp
Thủ tục xin lý lịch tư pháp trực tiếp, tức là trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan cấp lý lịch tư pháp.
Hồ sơ xin cấp lý lịch tư pháp
- Tờ khai yêu cầu cấp giấy lý lịch tư pháp (Mẫu số 03/2013/TT-LLTP nếu tự xin hoặc Mẫu 04/2013/TT-LLTP nếu ủy quyền xin)
- Bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu
- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú/tạm trú
- Mẫu giấy ủy quyền làm lý lịch tư pháp có chứng nhận của Ủy ban nhân dân phường/xã nếu là công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước hoặc cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài nếu là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài (trừ trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp) và bản sao chứng minh thư của người được ủy quyền, trong trường hợp cá nhân uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 2, cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục.
Thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ như trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
- Mang các giấy tờ đã chuẩn bị lên cơ quan cấp lý lịch tư pháp để nộp.
- Lưu ý thời gian làm việc của các cơ quan này để tránh phải đi lại nhiều lần. Ví dụ, thời gian làm việc của Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh là thứ 2 đến thứ 6, Sáng 7h30 đến 11h30, Chiều 13h00 đến 17h00, Thứ 7 Sáng 7h30 đến 11h30; thời gian làm việc của Sở tư pháp Hà Nội là sáng từ thứ 2 đến thứ 6, sáng từ 8h00 đến 11h30 và chiều từ 13h00 đến 16h30.
- Khi hồ sơ đầy đủ, bạn sẽ đóng phí và nhận được phiếu hẹn kết quả.
Bước 3: Nhận kết quả:
- Đến cơ quan cấp lý lịch tư pháp để nhận kết quả lý lịch tư pháp của mình vào ngày được ghi trong giấy hẹn.
- Lưu ý phải đọc kỹ thông tin trong Lý lịch tư pháp, và hỏi ngay cán bộ trả hồ sơ nếu có thông tin chưa khớp.
Xin lý lịch tư pháp online
Truy cập website https://lltptructuyen.moj.gov.vn/home và làm theo hướng dẫn. Sau khi hoàn thành điền Tờ khai, nhân viên Bưu chính sẽ liên hệ và đến địa chỉ đã đăng ký để thu hồ sơ và lệ phí. Sau khi tiến hành cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi kết quả theo địa chỉ đăng ký hoặc người đăng ký đến nhận trực tiếp
Mất bao lâu thì được cấp phiếu lý lịch tư pháp?
Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 quy định rõ về thời gian cấp lý lịch tư pháp như sau:
- Thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ.
- Thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp không quá 15 ngày nếu người được cấp là:
- Công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài,
- Người nước ngoài;
- Người nước ngoài đã cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kể từ khi đủ 14 tuổi trở lên;
- Trường hợp khẩn cấp quy định của Luật này thì thời hạn không quá 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được yêu cầu.
Trên đây là một số thông tin chia sẻ của OTIS LAWYERS về các thủ tục liên quan đến việc xin cấp lý lịch tư pháp.
Bình luận