Trong những ngày gần đây, những vụ cháy ở Hà Nội liên tiếp xảy ra. Sau vụ cháy tại Quan Hoa khiến 3 liệt sĩ dũng cảm hy sinh, từ đó tới nay gần như mỗi ngày Hà Nội đều xảy ra cháy. Thời tiết những ngày gần đây thì không quá khắc nghiệt, có lúc có mưa và khá mát mẻ. Vậy nguyên nhân do đâu? Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các địa bàn đã thực sự hiệu quả hay chưa? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu những quy định cơ bản về PCCC và “nguyên nhân” của những vụ cháy ở Hà Nội trong bài viết dưới đây.
NHỮNG VỤ CHÁY LIÊN TIẾP XẢY RA Ở HÀ NỘI
Từ đầu tháng 8 cho đến nay, những vụ cháy ở Hà Nội liên tiếp xảy ra:
- Ngày 1/8 : Cháy quán Karaoke tại 231 Quan Hoa - Cầu Giấy: 3 chiến sĩ, cán bộ PCCC hy sinh
- Ngày 5/8 : Cháy mái che lấy ánh sáng tại quán trà chanh ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, cháy một ngôi nhà tại khu vực ngã 3 Ngũ Hiệp (Xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì)
- Ngày 8/8: Cháy một xưởng sản xuất tại Khu Công nghiệp Quang Minh, vụ cháy nhà dân ở đường Đê La Thành (Ba Đình) và cháy cơ sở sản xuất xốp ở Sóc Sơn.

- Ngày 9/8: Cháy nhà kho thiết bị bể cá thuộc địa bàn phường Nhật Tân, quận Tây Hồ.
- Ngày 10/8 (sáng hôm nay): vụ cháy xưởng ở đường Trường Chinh, vụ cháy cửa hàng bán đồ ăn (trước đây là cửa hàng laptop) trên đường Hồ Tùng Mậu, Quận Cầu Giấy

Trong vòng 10 ngày đầu của tháng 8 đã xảy ra liên tiếp các vụ cháy tại Hà Nội. Lực lượng PCCC trên địa bàn thành phố chắc hẳn đã làm việc hết công suất. Nguyên nhân những vụ cháy thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ. Đương nhiên sự cố cháy nổ, hỏa hoạn là điều không ai muốn. Thế nhưng các cá nhân, tổ chức hiện nay đã thực hiện công tác PCCC thực sự nghiêm túc và đúng quy định hay chưa? Đây chính là câu hỏi và cũng có thể là câu trả lời về nguyên nhân của những vụ cháy liên tiếp gần đây tại Hà Nội.
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ, PCCC

Trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy là của mọi người
Theo khoản 1 Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định:
“Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Luật quy định những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình và mỗi cá nhân có ý thức và trách nhiệm PCCC.
Quy định phòng cháy đối với từng đối tượng cụ thể
Điều 14 Luật PCCC hiện hành quy định những biện pháp cơ bản chung nhất để phòng cháy:
- Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy.
- Thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Từ điều 17 - điều 28 Luật PCCC quy định cụ thể công tác phòng cháy đối với từng đối tượng khác nhau. Ví dụ: Điều 17: Phòng cháy đối với nhà ở và khu dân cư; điều 21: Phòng cháy đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; điều 27: Phòng cháy đối với bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, rạp hát, rạp chiếu phim và những nơi đông người khác; …
Đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động khi có vi phạm
Điều 29 Luật PCCC quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy như sau
Tạm đình chỉ
Hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân bị tạm đình chỉ trong các trường hợp sau đây:
a) Khi có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ;
b) Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy;
c) Vi phạm nghiêm trọng quy định về phòng cháy và chữa cháy đã được cơ quan quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy yêu cầu khắc phục mà không thực hiện.
Đình chỉ hoạt động
Cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình và cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này đã hết thời hạn tạm đình chỉ mà không khắc phục hoặc không thể khắc phục được và có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng thì bị đình chỉ hoạt động.
Hoạt động trở lại khi nào?
Trường hợp bị tạm đình chỉ thì chỉ được hoạt động trở lại khi nguy cơ phát sinh cháy, nổ được loại trừ hoặc những vi phạm đã được khắc phục và được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ cho phép.
Như vậy, pháp luật đã có những quy định hết sức cụ thể và rõ ràng về PCCC. Tuy nhiên việc các cá nhân, tổ chức có nghiêm túc thực hiện hay không lại là một câu chuyện khác. Nếu như tuân thủ tuyệt đối các quy định về PCCC của pháp luật thì có lẽ sẽ không có nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra như vậy.
THỰC TIỄN PHÒNG CHỐNG CHÁY NỔ, PCCC TẠI HÀ NỘI
Những số liệu đáng báo động
Theo thống kê của UBND TP Hà Nội về các cơ sở vi phạm PCCC trong hơn 5 năm (từ 2016 đế tháng 5-2022). Trên địa bàn thủ đô xảy ra hơn 3.000 vụ cháy nổ. Trong đó có hàng chục vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy làm 86 người chết, gây thiệt hại khoảng 960 tỉ đồng.
Đáng chú ý chính là trên địa bàn có đến 2.483 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Trong đó có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ; 363 trường học, cơ sở giáo dục; 180 văn phòng, trụ sở làm việc… Điều đáng buồn hơn là trong 5 năm qua, số cơ sở hoàn thành việc khắc phục tồn tại các vi phạm PCCC đạt tỉ lệ rất thấp. Cụ thể, trong 2.483 cơ sở chỉ có 212 cơ sở khắc phục được vi phạm PCCC, chiếm tỉ lệ 8,5%.
Nâng cao ý thức PCCC
Hàng loạt vụ cháy xảy ra ở Hà Nội là hồi chuông cảnh tỉnh các cơ sở còn lơ là trong công tác PCCC. Sức khỏe và tính mạng con người là trên hết. Vì vậy mong rằng các cơ sở không trốn tránh, lách luật trong công tác PCCC. Mong các cán bộ thanh tra, cơ quan có thẩm quyền sẽ “mạnh tay” xử lý những cơ sở vi phạm công tác PCCC.
Không chỉ các tổ chức mà mỗi cá nhân cần có ý thức PCCC. Và phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền vận động mọi người PCCC. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Hãy hành động ngay để bảo vệ cuộc sống của chính mình cũng như những người xung quanh.
Qua bài viết này, OTIS LAWYERS hy vọng mỗi bạn đọc sẽ có ý thức PCCC và nhận thức được sự cấp thiết của công tác này. Thông qua bài viết này đội ngũ OTIS cũng xin gửi lời cảm ơn đến lực lượng cảnh sát PCCC. Những ngày qua mọi người chắc hẳn đã làm việc vô cùng vất vả. Chúc mỗi chiến sĩ, cán bộ PCCC thật nhiều sức khỏe, luôn vững vàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: K28 - Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: info@otislawyers.vn
Hotline: 0987748111
Bình luận