Thừa kế theo di chúc là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích đối với các chủ thể có quyền và nghĩa vụ liên quan đối với người để lại di chúc. Vậy thừa kế theo di chúc là gì? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Cơ sở pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015
Di chúc là gì?
Khái niệm
Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) thì “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Người lập di chúc
Điều 625 BLDS 2015 có quy định cụ thể về điều kiện của người lập di chúc như sau:
– Người thành niên minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
– Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc. Với điều kiện là cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Hình thức của di chúc
Về hình thức của di chúc, di chúc có thể tạo lập thành văn bản hoặc di chúc miệng.
Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của BLDS 2015.
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng: Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của BLDS 2015.
– Di chúc bằng văn bản có công chứng: Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng bản di chúc.
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực: Người lập di chúc có thể yêu cầu chứng thực bản di chúc.
Cần lưu ý rằng: Di chúc bằng văn bản được chỉ coi là hợp pháp khi được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Di chúc bằng miệng
Di chúc miệng được coi là hợp pháp. Nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 02 người làm chứng. Ngay sau đó, những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Trong trường hợp tính mạng đang bị đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc bằng miệng. Tuy nhiên, nếu sau ba tháng mà người lập di chúc vẫn còn sống, minh mẫn thì di chúc miệng đó mặc nhiên bị huỷ bỏ.
Thừa kế theo di chúc là gì?
Dựa theo khái niệm di chúc ở trên, thừa kế theo di chúc chính là việc thực hiện theo ý nguyện của người để lại di sản. Ý nguyện ở đây chính là nội dung được đề cập trong di chúc.
Co thể hiểu rằng: Thừa kế theo di chúc là sự dịch chuyển di sản của người chết cho những người còn sống (người thừa kế), dựa theo nội dung di chúc để lại.
Đối tượng được hưởng thừa kế theo di chúc
Những người được hưởng thừa kế theo di chúc
Theo quy định tại Điều 626 BLDS 2015: “Người lập Di chúc có quyền chỉ định người hưởng Thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người Thừa kế”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, những người được chỉ định trong nội dung di chúc thì đều có quyền hưởng thừa kế di sản do người chết để lại, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Lưu ý: Có những trường hợp người hưởng thừa kế không có tên trong di chúc nhưng vẫn được phân chia phần di sản bằng bằng ⅔ của một người thừa kế theo pháp luật (điều 644 BLDS 2015)
Những người không được hưởng thừa kế theo di chúc
Khoản 1 Điều 621 cũng có quy định những đối tượng sẽ không được quyền hưởng di sản Thừa kế từ người chết. Bao gồm:
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người Thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người Thừa kế đó có quyền hưởng;
– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập Di chúc; giả mạo Di chúc, sửa chữa Di chúc, hủy Di chúc, che giấu Di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Tuy nhiên thì những đối tượng nêu trên vẫn sẽ được hưởng di sản, nếu người để lại di sản, dù đã biết được hành vi của những người này, nhưng vẫn đồng ý cho họ được hưởng di sản theo di chúc (căn cứ theo Khoản 2 Điều 621 BLDS 2015).
Phân chia di sản thừa kế theo di chúc
Việc phân chia di sản thừa kế sẽ được thể hiện thông qua ý chí của người để lại di chúc. Theo đó có một vài trường hợp có thể xảy ra như sau:
– Nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc; trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó; hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản. Nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Trường hợp di chúc chỉ xác định việc phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.
Một số lưu ý về thừa kế theo di chúc
Di sản dùng vào việc thờ cúng
Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.
Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Di tặng
Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
Người được di tặng phải là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Người được di tặng sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.
Dịch vụ tư vấn về thừa kế theo di chúc của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn về thừa kế theo di chúc. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận