Những ngày gần đây, một tài khoản Facebook công khai bóc phốt một cô gái đã lừa đảo nhà chồng mình với số tiền lên đến 17 tỷ đồng. Đáng chú ý thủ đoạn lừa đảo vô cùng tinh vi đến mức ảo diệu, chỉ có ở trên phim. Sau bài bóc phốt có hàng loạt tài khoản khác vào chia sẻ và xác nhận thông tin trên. Cô gái lừa đảo trong câu chuyện nhanh chóng được cộng đồng mạng gọi là “Anna Bắc Giang”. Chi tiết sự việc ra sao? Và nếu bị khởi tố về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cô gái sẽ bị xử lý với mức phạt cao nhất là bao nhiêu? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Thủ đoạn lừa đảo như phim Hàn Quốc
“Anna Bắc Giang” là N.T.V.A. (27 tuổi, quê huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) bị bóc phốt là "siêu lừa đảo". Theo các nguồn tin khác, hiện có hàng trăm người đã và đang có đơn tố cáo gửi đến Bộ Công an và công an các tỉnh, thành. Những người tố cáo cho biết, V.A có nhiều kịch bản không tưởng.
Anna Bắc Giang đầu tư xây dựng kịch bản lừa đảo hoàn hảo
Một trong số các nạn nhân - tài khoản Facebook bóc phốt nói trên tường thuật lại như sau. V.A đã dựng kịch bản lừa gia đình nhà bạn trai tổ chức đám cưới tại một khách sạn sang chảnh trên địa bàn Hà Nội. Để qua mặt họ hàng nhà nội, V.A thuê người đóng giả có bố giàu sang, thuê người đóng giả người thân tham gia đám cưới,... Cô này còn thuê một chiếc xế hộp sang trọng và nói rằng đó là của hồi môn do bố ruột trao tặng ngày con gái về nhà chồng,...Tham dự còn có hơn 300 khách mời bên nhà gái cát-xê 300-500k/người.
Đại diện công ty tổ chức sự kiện ngầm xác nhận vụ việc Anna Bắc Giang trên?
Màn bóc phốt không tưởng trên tưởng chừng như chỉ để bôi nhọ người khác như bao màn bóc phốt. Tuy nhiên ngay sau đó đại diện đơn vị tổ chức sự kiện đám cưới đã ngầm xác nhận vụ việc lừa đảo này. Cụ thể, trong đám cưới nêu trên, về hoa cưới, V.A thuê một công ty tổ chức sự kiện, trang trí toàn bộ tiệc cưới bằng hoa tươi nhập khẩu, tone trắng 100%. Chi phí cho việc trang trí này lên tới 1 tỷ đồng.
Công ty tổ chức sự kiện vì tin tưởng nên đã nhận và trang trí cho đám cưới của V.A thật lung linh, lộng lẫy. Tuy nhiên, đến nay họ vẫn chưa nhận đủ số tiền trang trí. Hiện V.A vẫn còn nợ 270 triệu đồng.
Phía công ty tổ chức sự kiện ngầm xác nhận trên trang cá nhân như sau: "Hình như lễ cưới này mấy hôm nay được săn lùng lắm. Đây là lễ cưới đau đớn nhất mình từng làm. Mong sao câu chuyện sẽ được chấm dứt trong năm nay. Các bạn đang hóng phốt siêu lừa 17 tỷ đừng hoang mang, sự thật đấy".
Số người bị lừa bởi Anna Bắc Giang có thể không hề nhỏ
Theo như chia sẻ của chủ tài khoản facebook bóc phốt nói trên, số lượng nạn nhân bị lừa bởi V.A đã tạo thành 1 group khá nhiều người. Và số tiền bị lừa chắc chắn không chỉ dừng lại ở con số 17 tỷ. Hiện tại có nhiều nguồn thông tin cho biết nhiều nạn nhân đã viết đơn tố cáo gửi cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về vụ việc từ cơ quan chức năng. Mọi chuyện vẫn đang dừng lại ở những phát ngôn trên mạng. Khi có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng về vụ việc, mọi sự thật sẽ được phơi bày và làm rõ. Tuy nhiên với câu chuyện như vậy và số tiền lửa đảo tạm thời tính được là 17 tỷ, Anna Bắc Giang có thể bị xử phạt thế nào nêu bị khởi tố, điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Quy định pháp luật về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và khung hình phạt tương ứng
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như sau:
Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt từ từ 6 tháng đến 3 năm
Khoản 1 Điều 174 BLHS quy định:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168 (Tội cướp tài sản), 169 (Tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản), 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (Tội cướp giật tài sản), 172 (Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), 173 (Tội trộm cắp tài sản), 175 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
Khoản 2 Điều 174 BLHS quy định:
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
Khoản 3 Điều 174 BLHS quy định như sau:
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân
Khoản 4 Điều 174 BLHS quy định:
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.”
Phạt tiền
Một số hình phạt bổ sung được quy định tại Khoản 5 Điều 174 BLHS:
“Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Anna Bắc Giang có thể bị xử phạt ra sao nếu bị khởi tố?
Chiếu theo các quy định pháp luật hiện hành mà OTIS LAWYERS vừa nêu trên, cô gái “siêu lừa” có thể đối mặt với nhiều mức phạt tùy theo mức độ nghiêm trọng và phức tạp của vụ việc. Hình phạt cao nhất có thể của tội danh trên trong tình huống này là tù chung thân bởi số tiền đã lừa (tạm thời) là 17 tỷ đồng. Như đã nói trên, sự việc vẫn còn chưa được xác thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Mọi người cần chọn lọc và chờ đợi thêm những thông tin chính thức từ cơ quan chức năng.
OTIS LAWYERS chia sẻ câu chuyện trên mục đích thông tin đến quý bạn đọc về khả năng, dự đoán hình phạt Anna Bắc Giang có thể đối mặt nếu việc lừa đảo là có thật. Cùng với đó cũng là chia sẻ đến quý bạn đọc về quy định pháp luật hiện nay về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Câu chuyện trên dù chưa được xác thực nhưng cũng có thể coi là một hồi chuông cảnh tỉnh để mọi người tỉnh táo, tránh được những “cú lừa ngoạn mục”.
Bình luận