Một trong các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp hiện nay là công ty hợp danh. Vậy công ty hợp danh là gì? Pháp luật có quy định như thế nào đối với loại hình doanh nghiệp này? Hãy cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Căn cứ pháp lý
Khái niệm, đặc điểm của công ty hợp danh
Khái niệm công ty hợp danh
Khoản 1 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020 (LDN), công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó:
Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;
Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Đặc điểm
Về thành viên
+Thành viên hợp danh phải là cá nhân, bắt buộc phải có trong công ty và phải có ít nhất hai thành viên.
+Thành viên góp vốn có thể là cá nhân, tổ chức, có thể có hoặc không có trong công ty hợp danh
Về chế độ chịu tài trách nhiệm tài sản của thành viên công ty
+ Thành viên hợp danh phải cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
+ Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp vào công ty
Về vốn của công ty hợp danh
Vốn điều lệ của công ty hợp danh là tổng giá trị tài sản mà các thành viên đã góp hoặc cam kết góp để thành lập công ty
Về huy động vốn
Công ty hợp danh huy động vốn bằng cách kết nạp thành viên mới, tăng phần vốn góp của mỗi thành viên hay ghi tăng giá trị tài sản của công ty. Đặc biệt là không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Về tư cách pháp lý
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân.
Thành viên của công ty hợp danh
Thành viên hợp danh
Điều kiên để trở thành thành viên hợp danh
Cá nhân không bị cấm theo quy định tại khoản 2 Điều 17 LDN.
Phải góp đủ vốn theo thỏa thuận và ghi vào Điều lệ công ty
Trong trường hợp công ty kinh doanh ngành nghề đòi hỏi phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có chứng chỉ hành nghề.
Quyền của thành viên hợp danh
Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết về các vấn đề của công ty; mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty;
Nhân danh công ty kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; đàm phán và ký kết hợp đồng, giao dịch hoặc giao ước với những điều kiện mà thành viên hợp danh đó cho là có lợi nhất cho công ty;
Sử dụng tài sản của công ty để kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh của công ty; trường hợp ứng trước tiền của mình để kinh doanh cho công ty thì có quyền yêu cầu công ty hoàn trả lại cả số tiền gốc và lãi theo lãi suất thị trường trên số tiền gốc đã ứng trước;
Yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh trong phạm vi nhiệm vụ được phân công nếu thiệt hại đó xảy ra không phải do sai sót cá nhân của thành viên đó;
Yêu cầu công ty, thành viên hợp danh khác cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của công ty; kiểm tra tài sản, sổ kế toán và tài liệu khác của công ty khi thấy cần thiết;
Được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty;
Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia giá trị tài sản còn lại tương ứng theo tỷ lệ phần vốn góp vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác;
Trường hợp thành viên hợp danh chết thì người thừa kế của thành viên được hưởng phần giá trị tài sản tại công ty sau khi đã trừ đi phần nợ và nghĩa vụ tài sản khác thuộc trách nhiệm của thành viên đó. Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;
Quyền khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Nghĩa vụ của thành viên hợp danh
Tiến hành quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh một cách trung thực, cẩn trọng và tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty;
Tiến hành quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên; nếu làm trái quy định tại điểm này, gây thiệt hại cho công ty thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
Không được sử dụng tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
Hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản đã nhận và bồi thường thiệt hại gây ra đối với công ty trong trường hợp nhân danh công ty, nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác để nhận tiền hoặc tài sản khác từ hoạt động kinh doanh của công ty mà không đem nộp cho công ty;
Liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của công ty nếu tài sản của công ty không đủ để trang trải số nợ của công ty;
Chịu khoản lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;
Định kỳ hằng tháng báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản tình hình và kết quả kinh doanh của mình với công ty; cung cấp thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của mình cho thành viên có yêu cầu;
Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty
Thành viên góp vốn
Điều kiện trở thành thành viên góp vốn
Thành viên góp vốn phải là tổ chức, cá nhân trừ các đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 17 LDN
Góp vốn vào công ty theo thỏa thuận và được ghi vào Điều lệ công ty
Quyền của thành viên góp vốn
Tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại, giải thể công ty và nội dung khác của Điều lệ công ty có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ;
Được chia lợi nhuận hằng năm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ của công ty;
Được cung cấp báo cáo tài chính hằng năm của công ty; có quyền yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên hợp danh cung cấp đầy đủ và trung thực thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty; xem xét sổ kế toán, biên bản, hợp đồng, giao dịch, hồ sơ và tài liệu khác của công ty;
Chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác;
Nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác tiến hành kinh doanh ngành, nghề kinh doanh của công ty;
Định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách để thừa kế, tặng cho, thế chấp, cầm cố và các hình thức khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty; trường hợp chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của công ty;
Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của công ty tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp trong vốn điều lệ công ty khi công ty giải thể hoặc phá sản;
Quyền khác theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Nghĩa vụ của thành viên góp vốn
Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp;
Không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty;
Tuân thủ Điều lệ công ty, nghị quyết và quyết định của Hội đồng thành viên;
Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Quy chế pháp lý về vốn của công ty hợp danh
Tài sản của công ty
Tài sản của công ty hợp danh bao gồm:
Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;
Tài sản tạo lập được mang tên công ty;
Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;
Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Chuyển nhượng vốn
Thành viên hợp danh có quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho người khác, khi họ muốn chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của mình.
Huy động vốn
Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào và có thể huy động vốn bằng các cách sau:
Vay tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước
Vay ngân hàng, tổ chức tín dụng
Liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức khác
Nhận viện trợ
Các hình thức tín dụng đặc biệt
Tổ chức, quản lý
Hội đồng thành viên là cơ quan của các chủ sở hữu công ty, là cuộc họp mà các chủ sở hữu có quyền bày tỏ ý kiên của mình khi thông qua những vấn đề quan trọng nhất của công ty. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về công ty hợp danh. Chúng tôi mong rằng bài viết này sẽ là nguồn tham khảo hữu ích và giúp bạn hiểu sâu hơn về doanh nghiệp, giúp ích cho bạn trong hành trình kinh doanh của mình.
Dịch vụ thành lập doanh nghiệp của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn thành lập doanh nghiệp. Với đội ngũ luật sư tư vấn doanh nghiệp có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới các nhà đầu tư dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu. Đừng ngần ngại mà hãy nhấc máy ngay và liên hệ ngay nếu quý khách có bất kì thắc mắc nào về doanh nghiệp để chúng tôi tư vấn và hỗ trợ ngay nhé.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park View, Số 3 đường Vũ Phạm Hàm, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận