OTIS LAWYERS xin gửi đến bạn đọc bản tin pháp luật 4/5 - 10/5. Tức tuần thứ 2 của tháng 05/2024. Những chính sách mới, những cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội nói chung. Và thông tin về lĩnh vực pháp luật nói riêng sẽ được chúng tôi tổng hợp trong bản tin pháp luật 4/5 - 10/5 dưới đây.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bất động sản từ 01/01/2025
Các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bất động sản từ ngày 01/01/2025 bao gồm:
- Kinh doanh bất động sản không đủ điều kiện theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
- Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.
- Không công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.
- Thu tiền trong bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai không đúng quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023; sử dụng tiền thu từ bên mua, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai trái quy định của pháp luật.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
- Cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, sử dụng chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản không đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
- Thu, quản lý, sử dụng phí, lệ phí và các khoản tiền liên quan đến kinh doanh bất động sản trái quy định của pháp luật.
Đề xuất nhà máy điện mặt trời, điện gió được bán điện trực tiếp cho các khách hàng lớn
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời (Đơn vị phát điện) sẽ được bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng điện lớn (các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ) thông qua đường dây riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.
Với phương án đề xuất cho phép các Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời và điện gió tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia , khách hàng được mua bán là khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ sản xuất đấu nối từ cấp 22kV trở lên và có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh (tính trung bình trong 03 tháng gần nhất) hoặc theo sản lượng đăng ký áp dụng đối với khách hàng mới.
Chính sách này được đánh giá tạo động lực và khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Việc cho phép đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp giúp tạo ra một thị trường và khả năng tiếp cận nguồn cung cấp điện trực tiếp cho khách hàng lớn, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo. Tạo ra cơ hội việc làm vì việc đầu tư và phát triển các dự án năng lượng tái tạo sẽ tạo ra nhiều công việc mới. Giảm chi phí vận hành khi khi tiếp cận trực tiếp với nguồn cung cấp điện từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, khách hàng có thể giảm bớt chi phí trung gian và tăng tính hiệu quả trong việc sử dụng điện.
Từ 02/11/2024, công nhận văn bằng nước ngoài theo hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT (sửa đổi, bổ sung điều 7 và thay thế phụ lục II và phụ lục III Thông tư 13/2021/TT-BGDĐT). Thông tư 07/2024/TT-BGDĐT đã đưa ra nhiều điểm mới có lợi cho người muốn công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam sẽ thực hiện các thủ tục theo hình thức dịch vụ công trực tuyến hoàn toàn và được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia. Theo đó, người đề nghị công nhận văn bằng cung cấp các thông tin về văn bằng quy định và tải hồ sơ lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng và thực hiện thanh toán lệ phí theo quy định.
Trường hợp người đề nghị công nhận văn bằng không có thông tin, minh chứng để xác thực trực tiếp thì thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính các hồ sơ theo quy định, kèm theo văn bản ủy quyền xác minh thông tin về văn bằng (nếu đơn vị xác thực yêu cầu) và tải lên cổng dịch vụ công trực tuyến; Còn đối với trường hợp không tải hồ sơ lên cổng dịch vụ công trực tuyến, người đề nghị công nhận văn bằng cũng có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính đến cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng.
Căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp từ ngày 01/07/2024
Theo khoản 17 Điều 1 Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như sau:
(i) Việc xác minh để xác định hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:
- Yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền của chủ thể quyền sở hữu công nghiệp;
- Kết quả kiểm tra, thanh tra của cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính;
- Kiến nghị của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp gây ra;
- Thông tin được cung cấp bởi các cá nhân, tổ chức phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội, hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa, tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo.
(ii) Các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP bao gồm:
- Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi xâm phạm bao gồm cả tổ chức được trao thẩm quyền quản lý chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam;
- Người có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp bị thiệt hại do hành vi xâm phạm, nếu không bị chủ sở hữu công nghiệp hạn chế quyền yêu cầu xử lý xâm phạm.
(iii) Cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm nêu tại điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 99/2013/NĐ-CP có trách nhiệm chủ động kiểm tra, thanh tra, phát hiện và phối hợp với chủ thể quyền sở hữu công nghiệp xác minh hành vi vi phạm hành chính liên quan đến các đối tượng sau đây:
- Hàng hóa, tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo;
- Hàng hóa, dịch vụ vi phạm liên quan đến lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông, hóa chất dùng trong y tế, nông nghiệp, môi trường và những mặt hàng khác do người có thẩm quyền xác định theo nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất.
Trên đây là bản tin pháp luật 4/5 - 10/5/2024. Về những thông tin, tin tức cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Hy vọng bản tin của OTIS LAWYERS sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin chân thành cảm ơn!
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận