Trong vụ án chuyến bay giải cứu, 54 bị can bị truy tố, trong đó 18 bị can bị truy tố về tội "Nhận hối lộ". Tổng cộng, các đối tượng đã nhận hối lộ gần 180 tỷ đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Những bị can này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nào? Cùng OTIS LAWYERS làm rõ trong bài viết dưới đây!
Vụ án chuyến bay giải cứu
Sáng 19/4, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao vừa ban hành bản cáo trạng số 3813/CT-VKSTC-V1 truy tố 54 bị can trong vụ “Đưa – Nhận – Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và một số tỉnh. Nhóm này bị cáo buộc lợi dụng các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong dịp COVID-19 bùng phát để trục lợi. Tổng cộng, các đối tượng đã nhận hối lộ gần 180 tỷ đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
Kết luận cáo trạng cho hay, 25 cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao đã nhận hối lộ gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng;
23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đưa hối lộ gần 227 tỉ đồng; 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 25 tỉ đồng.
Trong nhóm bị đề nghị truy tố tội "Nhận hối lộ" có ông Nguyễn Quang Linh - Trợ lý của Phó Thủ tướng Thường trực; ông Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ông Vũ Hồng Nam - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; ông Trần Việt Thái - cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và nhiều đại sứ, cán bộ ngoại giao làm việc tại Nhật Bản, Malaysia, Nga, Angola.
Ông Chử Xuân Dũng - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng bị đề nghị truy tố về tội "Nhận hối lộ"...
Ở nhóm tội "Môi giới hối lộ" có ông Nguyễn Anh Tuấn - cựu Thiếu tướng, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội.
Về hành vi "Môi giới hối lộ" của một bị can, cơ quan điều tra đã tách vụ án để điều tra, xử lý ở giai đoạn sau.
Về hành vi nhận hối lộ của cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, cáo trạng cáo buộc ông này nhận 21,5 tỉ đồng từ các doanh nghiệp hoặc trực tiếp, hoặc thông qua giới thiệu.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan mặc dù không thừa nhận hành vi, song cáo trạng quy kết cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự này nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện
Bị can Phạm Trung Kiên - cựu Thư kí Thứ trưởng Bộ Y tế - bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất với số tiền gần 43 tỉ đồng.
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình COVID-19 bùng phát. Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi vì mục đích cá nhân. Việc này gây thiệt hại tài sản, làm giảm uy tín của cơ quan Nhà nước nói chung và cơ quan tố tụng nói riêng nên cần xử lý nghiêm.
Các bị can sẽ phải đối mặt với khung hình phạt nào?
18 bị can bị truy tố về tội "Nhận hối lộ", theo quy định tại khoản 4, Điều 354 - Bộ Luật hình sự, cụ thể:
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.”
Theo đó, 18 bị can bị truy tố về tội này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình,
Trong số này, có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã nhận số tiền hối lộ rất lớn.
Theo cáo trạng, ông Tô Anh Dũng đã 8 lần nhận hối lộ của bà Hoàng Diệu Mơ tổng số tiền 8,5 tỷ đồng. Trong đó 6 lần ông Dũng nhận tiền tại phòng làm việc và hai lần nhận tiền ở gần cổng trụ sở Bộ Ngoại giao.
29 lần khác, ông Tô Anh Dũng nhận tiền của các doanh nghiệp cũng diễn ra tại phòng làm việc của thứ trưởng, ngoài quán cà phê hoặc nhà hàng. Tổng cộng ông Dũng bị quy kết nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng của các doanh nghiệp trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Liên hệ ngay tới OTIS LAWYERS để được tư vấn theo địa chỉ
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: K28 - Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Website: https://otislawyers.vn/
Bình luận