Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ nước tiếp nhận đầu tư phát sinh trên cơ sở Điều ước quốc tế về đầu tư (Investor-State Dispute Settlement – ISDS) đang ngày càng trở nên phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện chính phủ nước tiếp nhận đầu tư. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề trên? Hãy cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Đối với các tranh chấp ISDS, Nhà đầu tư nước ngoài có thể khởi kiện khi có vi phạm của cán bộ, cơ quan Nhà nước Việt Nam (ở cấp trung ương hay địa phương), hoặc cá nhân/tổ chức được ủy quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với một hoặc một số nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam được quy định trong Điều ước quốc tế về đầu tư có liên quan. Trên thực tế, Nhà đầu tư thường khởi kiện các vi phạm nghĩa vụ cơ bản của Nhà nước về đảm bảo đầu tư, cụ thể là:
Vi phạm các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu theo luật tập quán quốc tế (bao gồm nguyên tắc đối xử công bằng, thỏa đáng (FET) và nguyên tắc bảo hộ an toàn và đầy đủ)
Trong quan hệ đầu tư quốc tế, tiêu chuẩn đối xử tối thiểu được xem là tiêu chuẩn nền tảng mà theo đó, Nhà nước nơi tiếp nhận đầu tư phải đảm bảo cho nhà đầu tư nước ngoài những quyền cơ bản theo thông lệ đầu tư quốc tế. Các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu bao gồm: (i) nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng (FET) và (ii) nguyên tắc bảo hộ an toàn và đầy đủ.
Ví dụ, theo các quy định của bản thảo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), “các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu là các tiêu chuẩn đối xử đối với nhà đầu tư được thừa nhận rộng rãi theo thông lệ đầu tư quốc tế để bảo hộ các dự án/khoản đầu tư. Việc “đối xử công bằng và thỏa đáng” hay “bảo hộ an toàn và đầy đủ” không đòi hỏi nhà nước phải đối xử nhiều hơn hay vượt quá các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu và cũng không tạo ra thêm bất kỳ quyền lợi cơ bản nào khác cho các nhà đầu tư.
Các nghĩa vụ của nhà nước theo thông lệ đầu tư quốc tế bao gồm:
(a) “Đối xử công bằng và thỏa đáng” gồm các nghĩa vụ đối xử hợp lý (không tùy tiện), không phân biệt đối xử, không được từ chối quyền tiếp cận công lý của Nhà đầu tư trong các vụ việc về hình sự, dân sự hay hành chính và đảm bảo “tuân thủ các quy trình luật định” được thừa nhận trên thế giới;
(b) “Bảo hộ an toàn và đầy đủ” yêu cầu mỗi quốc gia thành viên quy định và thực hiện các biện pháp bảo hộ an ninh hợp lý theo thông lệ quốc tế” để đảm bảo an toàn về con người và tài sản của Nhà đầu tư trên lãnh thổ nước mình.”
Trong thực tiễn xét xử và giải thích pháp luật, “Các tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử công bằng và thỏa đáng sẽ bị coi là vi phạm bởi các hành vi của cơ quan nhà nước gây thiệt hại cho nhà đầu tư trong trường hợp hành vi đó được thực hiện thiếu cẩn trọng và thiếu công bằng, có sự phân biệt đối xử về mặt chủng tộc hoặc vùng miền đối với nhà đầu tư, hoặc hành vi đó không được thực hiện theo các quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định của tòa án – đó có thể là một sự vi phạm rõ ràng các thủ tục tố tụng hoặc thiếu sự minh bạch trong các thủ tục hành chính.” (Vụ Waste Management, Inc. và Hoa Kỳ (ICSID Case ARB(AF)/00/3), Phán quyết, 30 Tháng Tư, 2004, đoạn 98).
Theo một số Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam đã ký với các quốc gia khác, Nhà nước Việt Nam cam kết sẽ đối xử với nhà đầu tư nước ngoài bằng các hình thức như phục hồi, bồi thường, bồi hoàn hoặc các giải pháp khác bồi thường nếu nhà đầu tư nước ngoài bị thiệt hại do chiến tranh hoặc các xung đột vũ trang khác, tình trạng khẩn cấp quốc gia, bạo động, nổi dậy hay nổi loạn trên lãnh thổ của Việt Nam. Do vậy, Nhà nước Việt Nam có thể bị kiện nếu không bồi thường/bồi hoàn hoặc bồi thường/bồi hoàn không thỏa đáng cho những khoản thiệt hại do các sự kiện nêu trên cho Nhà đầu tư theo cam kết tại Điều ước quốc tế về đầu tư liên quan.
Đối với một quốc gia ổn định về chính trị như Việt Nam, việc bồi thường/bồi hoàn do những trường hợp nêu trên là hiếm xảy ra. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp Nhà đầu tư bị thiệt hại do xung đột giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, hoặc do tranh chấp dân sự. Đây không phải là những trường hợp thuộc diện Nhà nước phải bồi thường/bồi hoàn đề cập ở mục này nên các cán bộ cơ quan nhà nước cần lưu ý để có giải thích và cách ứng xử thích hợp trong những trường hợp này.
Vi phạm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN)
Hầu hết các Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam ký kết đều có quy định Nhà nước Việt Nam cam kết đối xử theo nguyên tắc Tối huệ quốc với các Nhà đầu tư đến từ một nước thành viên khác của Điều ước. "Đối xử tối huệ quốc trong đầu tư"được hiểu là Nhà nước của nước ký kết cam kết đối xử không kém thuận lợi hơn tiêu chuẩn đối xử mà Việt Nam dành cho khoản đầu tư và nhà đầu tư đến từ nước thứ ba khác trong những điều kiện tương tự. Nội dung này cũng đã được nội luật hóa tại Pháp lệnh Đối xử Tối huệ quốc và Đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002 (Điều 2 Khoản 3). Lưu ý, phạm vi áp dụng nghĩa vụ MFN và các ngoại lệ mà Việt Nam áp dụng có thể khác nhau tùy vào từng Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam ký kết.
Do đó, trong xây dựng và thực hiện pháp luật về đầu tư nước ngoài, các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước cần chú ý đảm bảo không có biện pháp, hành vi mang tính phân biệt đối xử giữa khoản đầu tư hay nhà đầu tư của các quốc gia/vùng lãnh thổ khác nhau đầu tư tại Việt Nam.
Vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia (NT)
Nhiều Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam tham gia cũng quy định về nguyên tắc “Đối xử quốc gia” trong đầu tư, theo đó, Nhà nước Việt Nam cam kết dành cho khoản đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài đến từ một nước ký kết đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Nhà nước Việt Nam dành cho khoản đầu tư và nhà đầu tư trong nước trong những điều kiện tương tự. Nội dung này cũng đã được nội luật hóa tại Pháp lệnh Đối xử Tối huệ quốc và Đối xử Quốc gia trong thương mại quốc tế năm 2002 (Điều 2 Khoản 7).
Như vậy, Nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể khởi kiện Nhà nước/cơ quan Nhà nước Việt Nam nếu họ cho rằng người có thẩm quyền của cơ quan Nhà nước Việt Nam có các biện pháp, hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia. Do đó, trong xây dựng, thực hiện pháp luật, các cơ quan Nhà nước cần đối xử công bằng giữa khoản đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài với khoản đầu tư, nhà đầu tư trong nước.
Tước đoạt hoặc quốc hữu hóa tài sản đầu tư
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài cho rằng Nhà nước Việt Nam tước quyền sở hữu, trưng thu, quốc hữu hóa tài sản đầu tư của nhà đầu tư không theo cam kết tại các Điều ước quốc tế về đầu tư và pháp luật Việt Nam, họ có quyền khởi kiện Nhà nước Việt Nam. Do đó, trong việc thực hiện quản lý nhà nước của mình, các cơ quan Nhà nước cần thực hiện đúng pháp luật, cam kết quốc tế của Việt Nam về đầu tư, nhất là các trường hợp liên quan đến chuyển nhượng vốn, chuyển vốn ra nước ngoài của nhà đầu tư hoặc buộc phải tạm ngừng, chấm dứt dự án đầu tư, hợp đồng đầu tư; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc từ chối gia hạn giấy phép đầu tư.
Ví dụ: theo các quy định của bản thảo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương:
“1. Không một nước thành viên nào được phép tước đoạt hoặc quốc hữu hóa tài sản đầu tư, dù là được thực hiện trực tiếp hay gián tiếp thông qua các biện pháp có mục đích tước đoạt hay quốc hữu hóa, trừ trường hợp:
- Vì mục đích công;
- Trên cơ sở không phân biệt đối xử;
- Có sự bồi hoàn nhanh chóng, đầy đủ và hiệu quả theo các quy định tại khoản 2,3 và 4 điều này; và
- Tuân thủ đầy đủ quy tắc, trình tự của pháp luật.
2. Việc bồi thường phải đảm bảo:
- Không được trì hoãn;
- Tương đương với giá thị trường của khoản đầu tư/tài sản đầu tư bị tước quyền sở hữu ngay trước khi việc tước quyền sở hữu xảy ra (“ngày tước quyền sở hữu”);
- Không được phản ánh bất kỳ sự thay đổi về giá trị nào đối với tài sản đầu tư vì lý do việc quốc hữu hóa/tước đoạt đã được biết đến từ trước;
- Có tính thanh khoản hữu hiệu và được chuyển đổi tự do.”
Vi phạm cam kết cho phép nhà đầu tư nước ngoài tự do chuyển các khoản đầu tư ra nước ngoài
Theo các Điều ước quốc tế về đầu tư mà Việt Nam đã ký với các quốc gia khác, trên cơ sở pháp luật và quy định của Việt Nam, Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài tự do chuyển các khoản đầu tư ra nước ngoài không chậm trễ. Các khoản đầu tư này có thể là (i) lãi, lợi nhuận, lợi tức cổ phần và những thu nhập khác từ đầu tư; (ii) các khoản vốn cần thiết (để mua nguyên phụ liệu hoặc nguyên liệu thô, bán sản phẩm hoặc thành phẩm; hoặc để thay thế các tài sản đầu tư nhằm bảo đảm sự tiếp tục của đầu tư); (iii) các khoản vốn bổ sung cần thiết để phát triển đầu tư; (iv) các khoản vốn chi trả các khoản vay liên quan đến đầu tư đã được chấp nhận; (v) tiền bản quyền hoặc các phí liên quan đến bản quyền; (vi) các khoản thu nhập của các thể nhân; (vii) các khoản thu từ việc bán, thanh lý đầu tư; (viii) các khoản bồi thường thiệt hại; (ix) các khoản bồi thường do tước quyền sở hữu.
Để tránh những tranh chấp đầu tư quốc tế có thể phát sinh do các nguyên nhân trên, trong thực thi pháp luật liên quan, các cơ quan nhà nước cần bảo đảm các quyền này của nhà đầu tư nước ngoài.
Không đảm bảo quyền tiếp cận công lý và thiếu khách quan, công bằng trong xét xử tư pháp, thi hành án
Từ chối công lý có thể là: (i) từ chối tiếp cận công lý từ Tòa án; (ii) chậm trễ và không hợp lý trong các thủ tục tố tụng; (iii) thiếu độc lập của tòa án với cơ quan lập pháp và hành pháp (iv) không cho thi hành bản án có hiệu lực hoặc quyết định trọng tài; (v) tham nhũng của thẩm phán, cán bộ tòa án; (vi) phân biệt đối xử đối với đương sự là người nước ngoài. Do đó, các cơ quan Tư pháp và Thi hành án dân sự cần chú ý để không vi phạm những nội dung này.
Chính phủ không trả nợ đúng theo cam kết tại hợp đồng vay, hợp đồng bảo lãnh Chính phủ
Một số hiệp định/hợp đồng vay nợ nước ngoài hay hợp đồng bảo lãnh Chính phủ có thỏa thuận cho phép nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện nếu Chính phủ Việt Nam vi phạm cam kết trả nợ/bảo lãnh. Tuy các vụ tranh chấp do việc vi phạm của Chính phủ liên quan đến các hiệp định/hợp đồng nói trên hầu như không xảy ra nhưng các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc vay nợ, bảo lãnh các khoản vay vẫn cần phải lưu ý đảm bảo tính hiệu quả của khoản vay và cơ sở pháp lý trong nước cho việc thực hiện cam kết với phía nước ngoài tại hợp đồng vay, hợp đồng bảo lãnh Chính phủ để tránh những rủi ro phát sinh.
Trên đây, là những nội dung khởi kiện phổ biến của nhà đầu tư nước ngoài được rút ra từ thực tế các vụ kiện đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, việc xác định Chính phủ có vi phạm hay không sẽ do cơ quan tài phán được các bên lựa chọn giải quyết vụ việc phán quyết.
Lưu ý: Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế quy định rằng mọi điều ước đã có hiệu lực ràng buộc tất cả các bên tham gia điều ước. Các bên cần thi hành với thiện chí và một bên không thể viện những quy định của pháp luật trong nước làm lý do để không thi hành hoặc tuân thủ một điều ước. Tương tự, Điều 3 Công ước về trách nhiệm nhà nước được Ủy ban luật quốc tế của Liên hợp quốc thông qua quy định rằng, việc xác định một hành vi của một quốc gia nào đó có trái với luật pháp quốc tế hay không sẽ theo quy định của luật pháp quốc tế và sẽ không bị ảnh hưởng bởi quy định của pháp luật trong nước. Vì thế, một hành vi của Cơ quan Nhà nước thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam có thể vẫn bị coi là vi phạm Điều ước quốc tế
Dịch vụ tư vấn Luật Đầu tư của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn về Luật Đầu tư. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận