Pháp luật quy định như thế nào về tạm giữ, tạm giam? Người thân có được vào thăm người đang bị tạm giữ, tạm giam không? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Tạm giữ, tạm giam là gì?
- Tạm giam là biện pháp ngăn chặn được sử dụng để áp dụng đối với bị can bị, bị cáo, khi đó bị can, bị cáo sẽ bị hạn chế một số quyền nhân thân của mình.
- Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được sử dụng để áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã, áp dụng với người có hành vi vi phạm hành chính gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác hoặc có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới....
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam có những quyền gì?
Mặc dù bị hạn chế về quyền, song người bị tạm giữ, người bị tạm giam vẫn được đảm bảo các quyền công dân trong khuôn khổ quy định pháp luật. Theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 và BLTTHS 2015, khi bị tạm giữ, tạm giam, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền sau:
- Được biết lý do vì sao mình bị tạm giữ, tạm giam, nhận quyết định tạm giữ tạm giam, quyết định phê chuẩn gia hạn tạm giữ;
- Trình bày lời khai không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hay nhận mình có tội;
- Được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa;
- Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ;
- Được thực hiện quyền bầu cử, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân;
- Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
- Được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự;
- Được nhận quà của thân nhân gửi;
- Được hướng dẫn, giải thích và bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người bào chữa, trợ giúp pháp lý;
- Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
- Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
- Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
- Được bồi thường thiệt hại nếu bị giam, giữ trái pháp luật;
- Được hưởng các quyền khác của công dân, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giữ, tạm giam.
Đồng thời, người bị tạm giữ, người bị tạm giam sẽ bị hạn chế một số quyền khi bị tạm giữ, bị tạm giam, theo quy định tại điều 19 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế đi lại, giao dịch, tiếp xúc, thông tin, liên lạc, tuyên truyền tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu trong trường hợp cần thiết thực hiện giao dịch dân sự thì phải thông qua người đại diện hợp pháp và được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án.
Người thân của người bị tạm giữ, tạm giam có những quyền gì?
Người thân (hay còn gọi là thân nhân) của người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người có quan hệ ông bà nội, ông bà ngoại; bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng; vợ, chồng; anh chị em ruột hoặc con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể với người bị tạm giữ, người bị tạm giam; cháu ruột với người bị tạm giữ, người bị tạm giam mà người bị tạm giữ, người bị tạm giam là ông bà nội, ông bà ngoại. Như đã được nêu ở trên, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được đảm bảo một số quyền lợi của mình, do đó, nhân thân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam đồng thời sẽ một số quyền tương ứng với quyền người bị tạm giữ, người bị tạm giam như:
- Được quyền thăm nom, gặp gỡ người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Được quyền yêu cầu gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện giao dịch dân sự (trong một số trường hợp cần thiết);
- Được quyền gửi quà cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Được quyền nhờ người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Được quyền yêu cầu trả tự do cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, thời hạn tạm giam;
- Được quyền tố cáo, khiếu nại, kiến nghị hành vi vi phạm pháp luật đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu nhân thân bị giam, giữ trái pháp luật.
Người thân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần phải lưu ý những vấn đề gì?
Khi gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì cần chuẩn bị giấy tờ gì?
Theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu (Thông tư 34/2017/TT-BCA), trước khi đến gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thân nhân đến thăm phải chuẩn bị một số giấy tờ tùy thân để xuất trình như sau:
- Chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu;
- Trường hợp là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì phải có giấy xác nhận là cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên;
- Người dưới 14 tuổi phải có giấy khai sinh;
- Giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giam (giấy chứng nhận kết hôn, giấy khai sinh, giấy chứng nhận nuôi con nuôi...). Trường hợp người đến thăm gặp không có giấy tờ chứng minh quan hệ thì phải có đơn đề nghị của chính quyền địa phương xác nhận, trường hợp người đến gặp không có giấy tờ tùy thân thì đơn đề nghị thăm gặp phải dán ảnh và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
Trách nhiệm của thân nhân khi đến thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Người đến thăm gặp và người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải chấp hành đúng nội quy cơ sở giam giữ, quy định về thăm gặp và thực hiện theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp; có thái độ văn minh, lịch sự, trang phục gọn gàng, sạch sẽ. Trường hợp vi phạm sẽ bị nhắc nhở hoặc đình chỉ việc thăm gặp.
Thời gian thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Theo Khoản 2 Điều 4 Thông tư 34/2017/TT-BCA, thời gian gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được quy định cụ thể:
- Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ, kể cả ngày nghỉ, mỗi lần gặp không quá một giờ.
- Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng, thời gian gặp trong giờ làm việc, mỗi lần gặp không quá một giờ. Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định cụ thể thời điểm người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân.
- Trường hợp người bị tạm giữ chuyển sang bị tạm giam hoặc người bị tạm giam mà thời gian tạm giam không đủ một tháng trong tháng đó thì vẫn được giải quyết gặp thân nhân một lần.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gặp không quá 3 thân nhân trong mỗi lần gặp; các trường hợp khác do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định.
Người thân được gửi quà cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam không?
Những đồ người thân được gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Theo Điều 9 Thông tư 34/2017/TT-BCA, người bị tạm giữ được nhận quà của thân nhân gửi một lần trong thời gian tạm giữ; một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được nhận quà của thân nhân gửi đến không quá ba lần trong 1 tháng. Định lượng quà là đồ ăn, uống mỗi lần gửi không quá 3 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
- Các loại quà mà thân nhân người bị tạm giữ, người bị tạm giam được gửi gồm: tiền, thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, đồ ăn, uống, đồ dùng sinh hoạt và tư trang cá nhân (trừ các đồ vật thuộc danh mục cấm). Trong trường hợp đặc biệt để phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo sức khỏe cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định tạm dừng việc nhận quà là đồ ăn, uống.
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận tiền của thân nhân gửi là tiền Việt Nam và phải gửi lưu ký tại cơ sở giam giữ. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài được nhận tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ và được quy đổi sang tiền Việt Nam theo tỷ giá của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định tại thời điểm gửi.
- Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ của thân nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và có đơn thuốc của thầy thuốc tại cơ sở y tế nhà nước. Cán bộ y tế của cơ sở giam giữ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam sử dụng thuốc theo chỉ định.
- Ngoài việc nhận quà khi gặp thân nhân, người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn được nhận quà của thân nhân gửi tại cơ sở giam giữ, trọng lượng quà mỗi lần gửi không quá 3kg; được nhận tiền của thân nhân gửi qua đường bưu điện.
Theo quy định, vấn đề gửi quà cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam được Thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Việc tiếp nhận hoặc từ chối tiếp nhận quà do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam đảm bảo đúng quy định.
Việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam
Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 34/2017/TT-BCA, người bị tạm giữ, người bị tạm giam chỉ được gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu khi được cơ quan đang thụ lý vụ án cho phép và chịu sự kiểm duyệt của cơ quan đang thụ lý vụ án và sự kiểm tra của cơ sở giam giữ. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân và thân nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam về việc gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu, khi được sự đồng ý của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam nhận.
Những đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giam, tạm giữ
Người đến thăm gặp người đang bị tạm giam phải tuân thủ thời gian thăm gặp, không đưa các đồ vật cấm đưa vào buồng tạm giữ, tạm giam theo quy định tại điều 4 Thông tư 32/2017/TT-BCA của Bộ Công an, gồm:
- Các loại vũ khí, vật liệu nổ, chất nổ, công cụ hỗ trợ.
- Chất gây mê, chất độc, khí độc, chất phóng xạ, hóa chất độc hại, nguy hiểm.
- Các chất ma túy, tiền chất ma túy, các chất gây nghiện, các chất hướng thần.
- Các chất cháy, chất gây cháy (xăng, dầu, cồn, bật lửa, các loại diêm…).
- Điện thoại di động và các thiết bị thông tin liên lạc.
- Thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy ghi âm, máy ghi hình, máy nghe ca nhạc, radio, những thiết bị, đồ dùng có tính năng tương tự và các thiết bị kỹ thuật, điện tử khác.
- Các đồ dùng bằng kim loại, sành, sứ, đá, thủy tinh, các đồ vật cung, sắc nhọn khác và các loại dây có khả năng dùng để tự sát, phá buồng giam, trốn khỏi nơi giam giữ, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe, tính mạng của người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc người khác.
- Các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, băng đĩa có nội dung phản động, truyền đạo trái phép, đồi trụy, mê tín dị đoan; các phương tiện, công cụ dùng để đánh bạc dưới mọi hình thức.
- Các loại giấy, bút, mực (trừ trường hợp được sự đồng ý của cơ sở giam giữ).
- Rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc lào; các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh chưa được sự đồng ý của y tế cơ sở giam giữ.
- Tiền Việt Nam đồng, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý khác.
Trường hợp nào người bị tạm giữ, người bị tạm giam không được gặp thân nhân
Theo khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong các trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do:
- Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
- Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
- Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
- Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
- Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
- Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này.
Việc thăm nom, gặp gỡ người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải tuân thủ quy định của pháp luật, bên cạnh những trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không được gặp thân nhân như đã nêu trên, trong một số trường hợp nhất định việc thăm nom, gặp gỡ còn phải chịu sự giám sát của cơ quan giam giữ và chỉ được tham năm khi có quyết định của thủ trưởng cơ sở giam giữ phê duyệt.
Dịch vụ tư vấn pháp luật của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn pháp luật. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận