Xin chào luật sư, em có câu hỏi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp cho em ạ: Anh chị em có một con gái 5 tuổi. Một tháng trước không may anh chị qua đời do tai nạn giao thông, để lại một mình cô con gái. Ông bà hai bên cũng không còn. Em là chú ruột của con bé và muốn làm người giám hộ cho cháu em đến khi cháu tròn 18 tuổi thì có được không ạ ? Điều kiện để trở thành người giám hộ và thủ tục đăng ký giám hộ như thế nào ạ? Em xin cảm ơn!
Trước tiên, chúng tôi xin cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho OTIS LAWYERS. Câu hỏi của bạn được chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý
Bộ luật dân sự năm 2015
Luật hộ tịch 2014
Ai là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên?
Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người giám hộ (NGH) đương nhiên của người chưa thành niên gồm:
- Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là NGH; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm NGH thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là NGH, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm NGH.
- Trường hợp không có NGH quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là NGH hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.
- Trường hợp không có NGH quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là NGH.
Trong trường hợp của cháu gái bạn, cô bé không có anh chị ruột, ông bà nội ngoại cũng không còn thì bạn là chú ruột của cô bé sẽ là người giám hộ đương nhiên cho cô bé.
Điều kiện trở thành người giám hộ
Điều 49 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định điều kiện cá nhân của người làm giám hộ:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm NGH:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của NGH.
- Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
- Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Như vậy, nếu bạn muốn làm người giám hộ cho cháu của bạn thì bạn phải đáp ứng điều kiện trên
Thủ tục đăng ký giám hộ
Theo quy định tại Điều 21 Luật hộ tịch 2014, để trở thành người giám hộ, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký giám hộ gồm những bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ gồm:
- Tờ khai đăng ký giám hộ
- Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự
- Giấy ủy quyền nếu bạn ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục
Lưu ý: Khi thực hiện thủ tục đăng ký giám hộ thì bạn phải xuất trình hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của mình. Ngoài ta, bạn cần xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký giám hộ. Trường hợp bạn ủy quyền cho người khác thực hiện thì người này cũng phải xuất trình giấy tờ chứng minh nhân thân của người đó và giấy giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký giám hộ.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Bạn có thể nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bạn hoặc cháu gái bạn
Bước 3: Nhận kết quả
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì người tiếp nhận hồ sơ sẽ hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn. nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc gì xin vui lòng liên hệ với OTIS LAWYERS để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: K28 - Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Bình luận