OTIS LAWYERS xin gửi đến bạn đọc bản tin pháp luật 30/3 - 5/4. Tức tuần thứ 1 của tháng 04/2024. Những chính sách mới, những cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội nói chung. Và thông tin về lĩnh vực pháp luật nói riêng sẽ được chúng tôi tổng hợp trong bản tin pháp luật 30/3 - 5/4 dưới đây.
Đề xuất 6 đối tượng được hưởng hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, dự kiến có 6 nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ từ Quỹ này bao gồm:
- Doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao;
- Doanh nghiệp công nghệ cao;
- Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao;
- Doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển;
- Doanh nghiệp có dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm;
- Doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt, tiên phong.
Sửa đổi Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA)
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BCT ngày 27/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2014/TT-BCT quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ trong Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA).Theo đó sửa đổi, bổ sung các nội dung sau đây:

- Bổ sung thêm công thức tính RVC dựa trên phương pháp trực tiếp là RVC bằng VOM chia FOB nhân 100%; trong đó, VOM là trị giá nguyên liệu có xuất xứ, bao gồm trị giá nguyên liệu có xuất xứ, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phân bổ trực tiếp, chi phí vận chuyển và lợi nhuận.
- Bổ sung quy định: Nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất của nước thành viên xuất khẩu linh hoạt áp dụng công thức tính RVC trực tiếp hoặc công thức tính RVC gián tiếp. Công thức tính RVC đã lựa chọn phải được tiếp tục áp dụng suốt một năm tài chính của nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất đó. Trường hợp nước thành viên nhập khẩu tiến hành kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa, bất kỳ việc kiểm tra, xác minh nào đối với tiêu chí RVC phải được thực hiện trên cơ sở công thức tính RVC mà nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất của nước thành viên xuất khẩu đã sử dụng.
- Bổ sung quy định về thủ tục cấp và kiểm tra tự chứng nhận xuất xứ C/O: C/O ở bản giấy được in ra có chữ ký, cấp con dấu theo hình thức cấp tay hoặc có chữ ký, con dấu dưới hình thức cấp dạng điện tử của các Tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu; làm trên khổ A4; phù hợp với mẫu quy định tại Phụ lục VI-A ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BCT được gọi là C/O mẫu AK và phải khai bằng tiếng Anh.
- Sửa đổi tên gọi “Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc” thành “Hiệp định Thương mại Hàng hóa thuộc Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Hàn Quốc.”
Thông tư số 04/2024/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ có hiệu lực kể từ ngày 11/5/2024./.
10 thông tin cơ bản để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa từ 01/06/2024
Ngày 28/3/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, các dữ liệu truy xuất nguồn gốc của từng sản phẩm, hàng hóa trong hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bao gồm tối thiểu các thông tin sau:
- Tên sản phẩm, hàng hóa;
- Hình ảnh sản phẩm, hàng hóa;
- Tên đơn vị sản xuất, kinh doanh;
- Địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh;
- Các công đoạn trong sản xuất, kinh doanh (bao gồm tối thiểu thông tin: mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và thời gian sự kiện truy xuất nguồn gốc của từng công đoạn);
- Thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra);
- Mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa;
- Thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có);
- Thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có);
- Các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn cơ sở được áp dụng.
Ngành Thuế đẩy mạnh chuyển đổi số, phát hiện gian lận về hóa đơn
Theo Tổng Cục Thuế, trong năm 2024, ngành Thuế tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số như áp dụng phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ quản lý thuế, quản lý hóa đơn, góp phần kiểm soát, phát hiện nhanh người nộp thuế gian lận về hóa đơn; triển khai mạnh mẽ xây dựng dữ liệu bản đồ số đối với hộ kinh doanh trên toàn quốc.

Cùng với đó, ngành Thuế đẩy mạnh rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế ở tất cả các khâu; nâng cấp ứng dụng nhằm vận hành ổn định hệ thống hoá đơn điện tử trên toàn quốc; cải cách toàn diện hệ thống thuế trên các lĩnh vực, đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thực hiện quyết liệt chuyển đổi số... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế.
Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu từ ngày 01/07/2024
Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vào ngày 18/01/2024. Theo đó. tại Điều 199 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thì thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu như sau:
- Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được phân chia theo thứ tự ưu tiên sau đây:
- Chi phí bảo quản tài sản bảo đảm;
- Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm;
- Án phí của bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm;
- Khoản thuế, lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm đó gồm thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ;
- Nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ;
- Nghĩa vụ khác không có bảo đảm theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên cùng nhận bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trên đây là bản tin pháp luật 30/3 - 5/4/2024. Về những thông tin, tin tức cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Hy vọng bản tin của OTIS LAWYERS sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin chân thành cảm ơn!
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng Hà Nội: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận