OTIS LAWYERS xin gửi đến bạn đọc bản tin pháp luật 19/10 - 25/10. Tức tuần thứ 4 của tháng 10/2024. Những chính sách mới, những cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội nói chung. Và thông tin về lĩnh vực pháp luật nói riêng sẽ được chúng tôi tổng hợp trong bản tin pháp luật 19/10 - 25/10 dưới đây.
Quy định mới về lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 11/2024/TT-BNV quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính. Thông tư này quy định về việc lập, quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh); huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện); xã, phường, thị trấn (cấp xã). Trình tự lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
- Đánh giá hiện trạng địa giới đơn vị hành chính và hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
- Xác định địa giới đơn vị hành chính ở thực địa
- Lập bản đồ địa giới đơn vị hành chính gốc thực địa
- Hoàn thiện hồ sơ địa giới đơn vị hành chính
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 18/10/2024.
Cố tình chuyển nhượng đất không Sổ, phạt đến 100 triệu đồng
Nội dung này được quy định tại Nghị định 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, tại khoản 3, khoản 4 Điều 17 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định từ ngày 04/10/2024 (ngày có hiệu lực của Nghị định 123/2024/NĐ-CP), hành vi cố tình chuyển nhượng dù nhà đất không có Sổ, cá nhân thực hiện hành vi sẽ bị phạt hành chính từ 30 - 50 triệu đồng, đồng thời buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, nếu đối tượng thực hiện hành vi vi phạm là tổ chức thì sẽ bị phạt gấp đôi, tức từ 60 - 100 triệu đồng và buộc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục hậu quả.
Sửa đổi quy định về đối tượng liên kết giáo dục với nước ngoài từ 20/11/2024
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực từ 20/11/2024.
(1) Về đối tượng liên kết giáo dục:
- Bên Việt Nam: Cơ sở giáo dục mầm non tư thục, cơ sở giáo dục phổ thông tư thục do nhà đầu tư trong nước đầu tư và bảo đảm điều kiện hoạt động được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
- Bên nước ngoài:
- Cơ sở giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động ít nhất 05 năm ở nước ngoài tính đến ngày nộp hồ sơ và không vi phạm pháp luật của nước sở tại trong thời gian hoạt động, có giảng dạy trực tiếp, có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước ngoài công nhận về chất lượng giáo dục.
- Tổ chức cung cấp chương trình hoạt động giáo dục được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, có thời gian hoạt động cung cấp chương trình giáo dục mầm non hoặc phổ thông ít nhất là 05 năm tính đến ngày nộp hồ sơ xin thực hiện liên kết giáo dục.
(2) Về trách nhiệm của các bên liên kết giáo dục:
Các bên liên kết giáo dục phải công khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng cho học sinh, cha mẹ học sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và chịu trách nhiệm về sự chính xác của những thông tin:
- Chương trình giáo dục và kết quả kiểm định
- Số lượng giáo viên nước ngoài
- Số lượng học sinh nước ngoài
- Phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể được gia nhập công đoàn
Quy định về việc cho phép người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên được gia nhập công đoàn là một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá đây là bước đi phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động nước ngoài, đảm bảo công bằng giữa lao động trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam về quyền con người. Một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về điều kiện gia nhập công đoàn và hạn chế quyền thành lập hoặc giữ vai trò cán bộ công đoàn của người nước ngoài để tránh lợi dụng. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, phòng ngừa tác động tiêu cực để đảm bảo hoạt động công đoàn tiếp tục phát huy vai trò trong bối cảnh mới.
Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đến 2025, định hướng đến 2030
Thủ tướng ban hành Quyết định 1236/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo Chiến lược, mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là tận dụng thế mạnh của công nghệ chuỗi khối, phát triển cơ sở hạ tầng chuỗi khối quốc gia; mở ra không gian phát triển mới cho ngành công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hoàn thiện dần các quy định, hành lang pháp lý, tạo lập môi trường cạnh tranh, hình thành nên hệ sinh thái các doanh nghiệp có năng lực vươn ra toàn cầu; đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới trong ứng dụng và phát triên công nghệ chuỗi khối.
Đơn giản hóa thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại đối với một số hoạt động khuyến mại từ 01/12/2024
Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 81/2018/NĐ-CP có nhiều điểm mới cần lưu ý về hoạt động khuyến mại. Theo đó, thương nhân khi thực hiện các hoạt động khuyến mại sau đây sẽ không còn phải thực hiện thông báo hoạt động khuyến mại với cơ quan nhà nước có thẩm quyền:
- Tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại;
- Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền;
- Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền;
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá);
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ.
Việc điều chỉnh quy định về đối tượng cần thông báo hoạt động khuyến mại này nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hoạt động khuyến mại.
Nghị định 128/2024/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/12/2024
Yêu cầu về chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu
Được nêu tại Nghị định 137/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Theo đó, thông điệp dữ liệu được chuyển đổi từ văn bản giấy phải đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử như:
- Thông tin trong thông điệp dữ liệu được bảo đảm toàn vẹn như văn bản giấy;
- Thông tin trong thông điệp dữ liệu có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu;
- Có ký hiệu riêng xác nhận đã được chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi;…
Nghị định 137/2024/NĐ-CP được ban hành và có hiệu lực từ 23/10/2024.
Giảm 50% lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo hình thức trực tuyến
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 73/2024/TT-BTC quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/10/2024. Theo đó, cấp đổi thẻ căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Căn cước là 50.000 đồng/thẻ căn cước; cấp lại thẻ căn cước đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Căn cước là 70.000 đồng/thẻ căn cước.
Kể từ ngày 21/10/2024 đến hết ngày 31/12/2024, mức thu lệ phí cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước bằng 50% mức thu lệ phí quy định nêu trên. Kể từ ngày 1/1/2025 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí theo quy định nêu trên, trừ một số trường hợp. Thông tư cũng nêu rõ, kể từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025, mức thu lệ phí khi công dân nộp hồ sơ cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo hình thức trực tuyến bằng 50% mức thu lệ phí quy định nêu trên. Kể từ ngày 1/1/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí theo quy định hiện hành.
Đề xuất chặn quảng cáo khuyến mãi quá 50% trên sàn thương mại điện tử
Sở Công Thương TP.HCM đã đề xuất các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo và khuyến mãi vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ trên các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn xuyên biên giới. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong nước. Các biện pháp bao gồm chế tài nghiêm khắc (ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam) đối với các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… vi phạm nhiều lần, rà soát quy định pháp luật, kiểm soát thuế quan, cũng như tăng cường quản lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn quảng cáo sai lệch và gian lận thương mại.
Trên đây là bản tin pháp luật 19/10 - 25/10/2024. Về những thông tin, tin tức cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Hy vọng bản tin của OTIS LAWYERS sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin chân thành cảm ơn!
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận