Tại Việt Nam, nguồn vốn ODA đã góp một phần vô cùng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cải thiện đời sống người dân; đóng góp đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Được nghe nói nhiều về vốn ODA, liệu bạn có thực sự hiểu rõ nguồn vốn ODA là gì? Chúng được sử dụng như thế nào? Hãy cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Cơ sở pháp lý
Nghị định 114/2021/NĐ-CP Về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài
Vốn ODA là gì?
ODA - Official Development Assistance - Là một hình thức đầu tư nước ngoài. Thông qua khoản vay dài hạn với lãi suất thấp hoặc không lãi suất; dành cho Chính phủ một nước được đầu tư. Nhằm mục đích phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội.
Theo Khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn ODA được hiểu là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài; cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội.
Hiện nay, các phương thức cung cấp vốn ODA bao gồm:
– Chương trình;
– Dự án;
– Phi dự án;
– Hỗ trợ ngân sách.
Phân loại vốn ODA
Căn cứ theo Khoản 19 Điều 3 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, vốn ODA bao gồm các loại như sau:
Viện trợ vốn ODA không hoàn lại
Đây là nguồn vốn mà nước được nhận ODA sẽ không phải hoàn trả lại cho bên viện trợ ODA. Nguồn vốn này thông thường được sử dụng để thực hiện các dự án cho nước vay theo thỏa thuận của hai nước với điều kiện đó là các nhà thầu dự án sẽ do bên cho vay đảm nhận.
Viện trợ vốn ODA có hoàn lại
Đây là nguồn vốn vay ODA với một lãi suất ưu đãi và một thời gian trả nợ thích hợp. Hiện nay trên tổng số vốn ODA trên thế giới, tín dụng ưu đãi chiếm một tỉ trọng lớn. Nguồn vốn này thông thường được sử dụng cho các dự án về cơ sở hạ tầng. Thuộc các lĩnh vực như giao thông vận tải, nông nghiệp, thủy lợi, năng lượng… Loại vốn đầu tư ODA này có các điều kiện ưu đãi như sau:
– Lãi suất thấp;
– Thời gian trả nợ dài;
– Có khoảng thời gian không trả lãi hoặc trả nợ.
Vốn ODA hỗn hợp
Đây là nguồn vốn đầu tư ODA kết hợp cả hai loại trên. Bao gồm một phần không hoàn lại và một phần tín dụng ưu đãi có hoàn trả. Trong đó, các yếu tố “không hoàn lại” thường sẽ là không dưới 25% tổng giá trị khoản vay ODA.
Ưu và nhược điểm của vốn ODA
Ưu điểm
– Lãi suất thấp hơn rất nhiều so với những khoản vay khác, thông thường ở mức dưới 2% hoặc 3%;
– Nước nhận ODA có thể không cần hoàn lại nếu đó là nguồn viện trợ ODA không hoàn lại;
– Vốn đầu tư ODA là một khoản vay có thời gian cho vay và thời gian ân hạn vay dài, thông thường từ 25 - 40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn vay 8 - 10 năm;
– Hầu hết trong nguồn vốn ODA luôn có một phần viện trợ không hoàn lại, thấp nhất là 25% của tổng số vốn ODA;
– Vốn đầu tư ODA là nguồn vốn rất quan trọng giúp các nước chậm và đang phát triển để có thể ổn định đời sống xã hội và phát triển kinh tế;
– Ngoài hỗ trợ về vốn, bên viện trợ ODA còn có các hoạt động hỗ trợ giúp bên nhận ODA nâng cao trình độ khoa học - công nghệ cũng như trình độ nhân lực lao động. Qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống cho người dân.
Nhược điểm
– Nước tiếp nhận vốn ODA gần như phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan bảo hộ đối với một số ngành, mặt hàng nhập khẩu từ nước viện trợ ODA. Ngoài ra nước tiếp nhận vốn ODA cũng sẽ phải từng bước mở cửa thị trường bảo hộ cho những danh mục hàng hoá mới của nước viện trợ vốn ODA hoặc cũng có thể cho phép họ đầu tư vào những lĩnh vực hạn chế, có khả năng sinh lời cao;
– Bên viện trợ vốn vay ODA thường yêu cầu bên nhận viện trợ mua thiết bị, thuê dịch vụ, nhân lực… của khoản vay với chi phí tương đối cao;
– Bên nhận viện trợ ODA phải thực hiện các điều khoản thương mại mậu dịch đặc biệt như nhập khẩu tối đa sản phẩm nào đó của nước cho vay ODA;
– Nước cho vay ODA sẽ tham gia vào các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của nước vay dưới hình thức hỗ trợ chuyên gia hoặc nhà thầu;
– Tác động của yếu tố tỷ giá hối đoái có thể làm cho giá trị vốn ODA phải hoàn lại tăng lên. Đây là một điểm bất lợi cho nước nhận vốn đầu tư ODA;
– Nước vay ODA có thể gặp một số nguy hại nếu sử dụng vốn ODA không hiệu quả như để xảy ra tham nhũng, lãng phí, thiếu kinh nghiệm điều hành dự án…
Thực trạng thu hút và sử dụng vốn ODA của Việt Nam
Trung bình giai đoạn 2011-2019, vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã đóng góp 6,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. 34,09% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và chiếm khoảng 2,4% GDP Việt Nam. Tính đến năm 2019, Việt Nam đã tiếp nhận trên 85 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong đó, 7 tỷ USD là vốn viện trợ không hoàn lại (chiếm 8% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi). Trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% (tương đương 90% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi). Và 1,7 tỷ USD vốn vay kém ưu đãi nhưng lãi suất vẫn thấp hơn vốn vay thương mại (chiếm 2%). Lượng giải ngân đạt gần 65 tỷ USD.
Tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 12,553 tỷ USD. Trong đó vốn vay là 12,04 tỷ USD (vay ODA: 9,169 tỷ USD, vay ưu đãi: 2,871 tỷ USD). Viện trợ không hoàn lại là 513 triệu USD. Việt Nam đã huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ 51 nhà tài trợ. Gồm 28 nhà tài trợ song phương và 31 nhà tài trợ đa phương. Trong đó, khoảng 80% nguồn vốn ODA của Việt Nam được huy động từ 6 ngân hàng. Gồm: Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM); Cơ quan phát triển Pháp (AFD); Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Vốn ODA được huy động chủ yếu vào các ngành giao thông vận tải; môi trường và phát triển đô thị; năng lượng và công nghiệp; nông nghiệp và phát triển nông thôn; xóa đói giảm nghèo. Kết quả huy động vốn ODA được đánh giá là tương đối sát các mục tiêu; nguyên tắc và các lĩnh vực ưu tiên đề ra. Tại Quyết định số 251/QĐ-TTg ngày 17/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ; về phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016-2020”.
Và Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 06/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ; về phê duyệt “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025”. Và đảm bảo các chỉ số nợ công; nợ chính phủ và mức bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn an toàn cho phép…
Dịch vụ tư vấn về Luật đầu tư của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn về Luật đầu tư. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng. Chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất. Chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận