Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể thực hiện tổ chức lại doanh nghiệp cho phù hợp với tình hình phát triển của công ty. Vậy tổ chức lại doanh nghiệp là gì? Pháp luật doanh nghiệp quy định những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp nào? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Căn cứ pháp lí
Luật doanh nghiệp năm 2020
Tổ chức lại doanh nghiệp là gì?
Trong pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức lại doanh nghiệp được hiểu là hoạt động cấu trúc lại doanh nghiệp diễn ra trong một doanh nghiệp hoặc giữa một số doanh nghiệp, bao gồm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi doanh nghiệp.
Đặc điểm của tổ chức lại doanh nghiệp
- Về đối tượng: đối tượng được tổ chức lại là doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trước và sau khi diễn ra hoạt động tổ chức lại, gọi chung là doanh nghiệp được tổ chức lại.
- Về tính chất: tổ chức lại doanh nghiệp là hoạt động có thể làm thay đổi tư cách pháp lý, quy mô kinh doanh của doanh nghiệp.
- Về hệ quả pháp lý: tổ chức lại doanh nghiệp là hoạt động diễn ra giữa nội bộ các doanh nghiệp liên quan và ít ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ với đối tác do cơ chế chuyển giao quyền và nghĩa vụ pháp lý cho doanh nghiệp sau khi tổ chức lại.
- Về hình thức thực hiện tổ chức lại: Tổ chức lại doanh nghiệp diễn ra với các hình thức đa dạng, gồm: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi doanh nghiệp
Các loại hình thức tổ chức doanh nghiệp
Chia công ty
Chia công ty là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó một doanh nghiệp được chia thành 2 hay nhiều doanh nghiệp mới và chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị chia. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị chia được chuyển giao từ doanh nghiệp bị chia sang cho các doanh nghiệp mới.
Tách công ty
Tách công ty là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, theo đó một doanh nghiệp bị tách thành hai hay nhiều doanh nghiệp mà không chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị tách.
Khi tách doanh nghiệp sẽ có ít nhất một doanh nghiệp mới ra đời, tồn tại song song với doanh nghiệp bị tách. Tách doanh nghiệp dẫn đến việc giảm quy mô của doanh nghiệp bị tách do một bộ phận vốn, tài sản, thành viên đã được chuyển sang doanh nghiệp được tách.
Hợp nhất công ty
Hợp nhất công ty (hợp nhất doanh nghiệp) được hiểu là hai hay nhiều doanh nghiệp cùng hợp lại thành một doanh nghiệp mới bằng cách chuyển giao toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ tài sản cho doanh nghiệp mới và chấm dứt sự tồn tại các doanh nghiệp cũ – doanh nghiệp bị hợp nhất.
Sáp nhập công ty
Sáp nhập công ty (sáp nhập doanh nghiệp) được hiểu là một hoặc một số doanh nghiệp có thể được sáp nhập vào một doanh nghiệp khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, và lợi ích hợp pháp sang doanh nghiệp nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.
Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
Hiện nay, theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, có 4 trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, bao gồm:
Chuyển đổi công ty TNHH thành CTCP
Công ty trách nhiệm hữu hạn có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần theo phương thức sau đây:
– Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;
– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
– Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;
– Kết hợp 3 phương thức trên và các phương thức khác.
Chuyển đổi CTCP thành công ty TNHH một thành viên
Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:
– Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại;
– Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty;
– Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.
Chuyển đổi CTCP thành công ty TNHH hai thành viên trở lên
Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây:
– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác;
– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
– Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn;
– Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông;
– Kết hợp các phương thức trên và các phương thức khác.
Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh
Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật doanh nghiệp 2020;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về tổ chức lại doanh nghiệp. Chúng tôi hi vọng rằng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho độc giả khi muốn tìm hiểu các định của pháp luật về lĩnh vực doanh nghiệp.
Dịch vụ tư vấn doanh nghiệp của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận