Như chúng ta cũng biết, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất- Sổ đỏ là một trong những chứng thư vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành về sổ đỏ được đánh giá là khá rộng và phức tạp. Chính vì vậy, sau đây OTIS LAWYERS xin tổng hợp và cung cấp những thông tin hữu ích nhằm giúp quý bạn đọc có cái nhìn tổng quát và hiểu rõ hơn vấn đề trên.
Cơ sở pháp lý
Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai 2013
Nghị định 148/2020/NĐ-CP sửa đổi một số Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai
Lý luận chung về Sổ đỏ - Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Khái niệm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hay còn được người dân gọi là “Sổ đỏ” được Luật đất đai 2013 giải nghĩa như sau: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.” Như vậy, Sổ đỏ chính là chứng thư pháp lý do Nhà nước cấp cho người sử dụng đất ở nhằm xác nhận tính hợp pháp của quyền sử dụng đất ở.
Ý nghĩa của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Cơ quan có thẩm quyền cấp, đính chính và thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Pháp luật quy định cơ quan nhà nước được quyền xem xét và cấp GCNQSDĐ cho người sử dụng đất được thực hiện theo quy định cụ thể tại Điều 105, Luật đất đai 2013, bao gồm:
- UBND cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao. UBND dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng cấp cấp GCNQSDĐ
- UBND cấp huyện cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
- Trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận mà thực hiện các quyền của người sử dụng đất hoặc cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì do cơ quan TN&MT thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Thẩm quyền đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp
Luật đất đai 2013 cũng quy định cơ quan có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính. Đối với thu hồi GCNQSDĐ, nhà nước sẽ tiến hành trong các trường hợp sau:
- Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;
- Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại khoản Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở ổn định mà có một trong các loại giấy tờ sau đây thì được cấp GCNQSDĐ:
- Giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước ta qua các thời kỳ (Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
- Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
- Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất;
- Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định khoản 3, Điều 100, Luật đất đai 2013
Hộ gia đình, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo các quyết định sau:
- Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân,
- Quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án,
- Văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành
Lưu ý: Trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cấp giấy chứng nhận theo quy định theo quy định tại khoản 4, Điều 100, Luật đất đai 2013
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất từ ngày 15/10/1993 đến ngày 01/7/2014 mà chưa được cấp Giấy chứng nhận thì được cấp; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân không có giấy tờ về quyền sử dụng đất
Theo quy định tại Điều 101, Luật Đất đai 2013, các hộ gia đình, cá nhận đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai thì vẫn được cấp giấy CNQSDĐ trong các trường hợp sau:
Trường hợp 1: Không phải nộp tiền sử dụng đất
Hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận và không phải nộp tiền sử dụng đất khi có đủ 03 điều kiện sau:
- Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày 01/7/2014.
- Có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp.
Trường hợp 2: Có thể phải nộp tiền sử dụng đất
Hộ gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận và có thể nộp tiền sử dụng đất khi có đủ 03 điều kiện sau:
- Đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01/7/2004.
- Đất đang sử dụng không vi phạm pháp luật về đất đai.
- Được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch.
Cụ thể, Chính phủ quy định chi tiết điều kiện tại Điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ- CP hướng dẫn Luật Đất đai 2013 như sau:
(1) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993:
- Được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất;
- Việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị … đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất
(2) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác trong thời gian từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004;
- Được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp sử dụng đất;
- Phù hợp với quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đất đã sử dụng từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch; chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp phải thu hồi thì được công nhận quyền sử dụng.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Đơn đăng ký, cấp Giấy chứng nhận theo mẫu số 04a/ĐK, Thông tư số 24/2014/TT- BTNMT
- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP) đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất;
- Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính; giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có)
Lưu ý: Ngoài ra, trong từng trường hợp cụ thể phải có xác nhận của UBND cấp xã về việc đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch.
Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định để làm thủ tục đăng ký đai, cấp GCNQSDĐ được quy định tại Khoản 1, Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT
Bước 2: Nộp hồ sơ
Cách 1: Người nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của UBND cấp xã
Cách 2: Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện đối với nơi chưa thành lập Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 3: Cơ quan tiếp nhận và tiến hành xác minh, thẩm định hồ sơ
Cán bộ có thẩm quyền sẽ tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì hướng dẫn người nộp hoàn thiện theo quy định. Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung.
Nếu hồ sơ đầy đủ các giấy tờ thì cán bộ tiếp nhận viết giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ (trong phiếu ghi rõ ngày hẹn trả kết quả – nếu quá hạn thì người dân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính).
Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc theo nhiệm vụ để đăng ký, cấp Giấy chứng nhận
Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 40 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Thời gian trên không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Bước 5: Hoàn thiện và niêm yết công khai hồ sơ
Theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 70, Nghị định 43/2014/NĐ- CP, sau khi thẩm tra hồ sơ, UBND cấp xã sẽ niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong thời hạn 15 ngày; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Bước 6: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết
Chi phí làm sổ đỏ mới nhất 2022
Có 4 loại phí mà người đăng ký cấp GCNQSDĐ cần phải nộp, bao gồm:
- Tiền sử dụng đất (nếu thuộc trường hợp phải nộp)
- Lệ phí trước bạ:
Lệ phí trước bạ = (Giá 1m2 đất tại bảng giá đất x Diện tích) x 0,5%
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận: Lệ phí cấp Giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quyết định nên mức thu từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể khác nhau.
- Phí thẩm định hồ sơ: Theo quy định tại Điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC thì Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khoản thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận (bao gồm cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật. Đây là khoản phí do HĐND cấp tỉnh quy định nên có những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ không phải nộp. Ngoài ra, người dân có thể phải nộp thêm tiền đo đạc.
>>> Xem thêm: Chi phí làm sổ đỏ mới nhất
Người nộp đơn cần phải làm gì khi bị chậm cấp Giấy chứng nhận
Theo Điều 204 Luật Đất đai 2013, khi quá thời hạn thì người sử dụng đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Khiếu nại
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai được thực hiện theo quy định Luật khiếu nại năm 2011. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
Khởi kiện hành vi vi phạm hành chính về quản lý đất đai tại Tòa án nhân dân
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính. Theo Điều 31 Luật Tố tụng Hành chính 2015, hộ gia đình, cá nhân nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Dịch vụ đăng ký Sổ đỏ của OTIS LAWYERS
Tự hào là đơn vị uy tín trong lĩnh vực cung cấp làm sổ đỏ mới tại Hà Nội. Đến với OTIS LAWYERS, quý khách hàng chỉ cần cung cấp những tài liệu cần thiết mà công ty yêu cầu, mọi vấn đề đã có OTIS LAWYERS. Về cơ bản, các gói dịch vụ đăng ký Sổ đỏ của OTIS LAWYERS sẽ bao gồm các công việc sau:
- Luật sư tư vấn trực tiếp các điều kiện, thủ tục, hồ sơ giấy tờ cần thiết để làm sổ đỏ chính xác, tận tâm và chu đáo nhất;
- Nhận đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ xin cấp sổ tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nhận ủy quyền nộp hồ sơ kê khai thuế thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước;
- Nhận sổ đỏ, bàn giao sổ đỏ cho khách hàng.
- Giải đáp thắc mắc, đồng hành cùng khách hàng trước, trong và sau khi hoàn tất quy trình thủ tục làm sổ đỏ
Với tinh thần bảo vệ tối đa lợi ích của khách hàng, OTIS LAWYERS đảm bảo rằng dịch vụ pháp lý của công ty luôn mang đến cho khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất với những ưu điểm sau:
Tiết kiệm thời gian và công sức cho khách hàng
Khách hàng sẽ không phải mất thời gian, công sức đi lại để thực hiện các thủ tục hành chính. Khách hàng chỉ cần cung cấp thông tin, tài liệu và yêu cầu. OTIS LAWYERS sẽ thực hiện hoàn tất hồ sơ và thủ tục cấp sổ đỏ, sang tên sổ đỏ hoặc cấp lại sổ đỏ bị mất.
Hiệu quả công việc cao
Nếu quý khách gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục với các cơ quan hành chính, thì việc sử dụng dịch vụ đăng ký sổ đỏ trọn gói là giải pháp hiệu quả nhất. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm thực tế và trình độ chuyên môn cao, chúng tôi giúp khách hàng có được sổ đỏ trong thời gian nhanh nhất.
Tiết kiệm chi phí
Liên hệ với chúng tôi để được nhận mức chi phí trọn gói ưu đãi nhất. Chúng tôi cam kết không có phí phát sinh
Với những lý do trên, cần chần chừ gì mà không liên hệ ngay tới OTIS LAWYERS để nhận được dịch vụ làm Giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất TRỌN GÓI với những ưu đãi hấp dẫn.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park View, Số 3 đường Vũ Phạm Hàm, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận