Khi quyết định đầu tư vào một lĩnh vực nào đó, thông thường đều hàm chứa những rủi ro nhất định. Việc thương nhân thành lập chi nhánh công ty ở nước ngoài nhưng lại không hoạt động hiệu quả dẫn đến phải giải thể chi nhánh không còn là một vấn đề xa lạ trong giới kinh doanh. Vậy, giải thể chi nhánh công ty nước ngoài được thực hiện như thế nào? Quy trình thủ tục ra sao? Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
Cơ sở pháp lý
Nghị định 07/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Nghị định 01/2021/NĐ-CP Về đăng ký doanh nghiệp
Nghị định 99/2016/NĐ-CP Về quản lý và sử dụng con dấu
Chi nhánh của công ty nước ngoài là gì?
Chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Các chi nhánh này được thương nhân nước ngoài thành lập nhằm mục đích mở rộng kinh doanh sản xuất, mở rộng thị trường tại Việt Nam. Nhưng nếu các đơn vị phụ thuộc này hoạt động không hiệu quả thì các thương nhân nước ngoài thường quyết định chấm dứt hoạt động của chúng (hay nói cách khác là giải thể).
Trường hợp chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam bị chấm dứt hoạt động
Căn cứ tại Điều 35 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, Chi nhánh chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:
- Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài.
- Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh.
- Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Chi nhánh mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn.
- Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Chi nhánh mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn.
- Bị thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh theo quy định của pháp luật.
- Thương nhân nước ngoài, Chi nhánh không còn đáp ứng một trong những điều kiện để được cấp giấy phép thành lập chi nhánh
Trình tự, thủ tục giải thể chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
Bước 1: Nộp hồ sơ
Thương nhân nước ngoài nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động Chi nhánh trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến đến Cơ quan cấp giấy phép.
Bộ hồ sơ bao gồm:
- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động Chi nhánh;
- Bản sao văn bản của Cơ quan cấp Giấy phép không gia hạn Giấy phép thành lập Chi nhánh (đối với trường hợp hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Chi nhánh mà không được Cơ quan cấp Giấy phép đồng ý gia hạn) hoặc bản sao Quyết định thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh của Cơ quan cấp Giấy phép (đối với trường hợp bị thu hồi Giấy phép thành lập Chi nhánh);
- Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội;
- Danh sách người lao động và quyền lợi tương ứng hiện hành của người lao động;
- Bản chính Giấy phép thành lập Chi nhánh…
Lưu ý: Thương nhân nước ngoài và người đứng đầu Chi nhánh chấm dứt hoạt động liên đới chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của hồ sơ chấm dứt hoạt động Chi nhánh.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động Chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền phải gửi Thông báo về việc giải thể chi nhánh công ty nước ngoài đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt Chi nhánh.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình về việc chấm dứt hoạt động của Chi nhánh.
Một số lưu ý khi tiến hành giải thể chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam
Hoàn thành các nghĩa vụ khi chấm dứt hoạt động chi nhánh
Theo Điều 72 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì trước khi thông báo giải thể chi nhánh công ty nước ngoài chi nhánh cần:
- Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế của chi nhánh với cơ quan quản lý.
- Thông báo đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế của chi nhánh theo mẫu số 24/DK-TCT kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC.
- Sau khi có xác nhận không nợ thuế thì cơ quan thuế ra quyết định chấm dứt hiệu lực mã số thuế đồng thời Chi nhánh phải thực hiện đóng tài khoản ngân hàng đã mở.
Nếu chi nhánh có sử dụng con dấu đã đăng kí bên cơ quan công an thì phải thực hiện trả dấu theo quy định Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2016/NĐ-CP, trong đó hồ sơ bao gồm:
- Công văn hoàn trả con dấu;
- Bản chính giấy đăng ký mẫu dấu do công an cấp;
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh;
- Con dấu của Chi nhánh;
- Giấy ủy quyền người đi trả dấu.
- Quyết định giải thể chi nhánh;
Việc hoàn thành các nghĩa vụ trước khi yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải thể chi nhánh công ty nước ngoài sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được những rủi ro, hệ lụy về hành vi vi phạm pháp luật sau này.
Thông báo chấm dứt hoạt động, giải thể doanh nghiệp
Trường hợp giải thể chi nhánh công ty nước ngoài mà không thông báo cho Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh sẽ bị xử phạt vi phạm từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng theo quy định tại Điều 54 Nghị Định số 122/2021/NĐ-CP.
Việc chấm dứt hoạt động chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam mà không thực hiện thủ tục giải thể chi nhánh thì đồng nghĩa nó vẫn được xem như đang hoạt động. Điều đó ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan đến thuế, bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian chấm dứt hoạt động mà doanh nghiệp không thông báo với cơ quan chức năng.
Doanh nghiệp không chỉ bị xử phạt vì không thông báo giải thể chi nhánh công ty nước ngoài mà còn có thể bị truy thu các khoản thuế phải nộp, nộp chậm và không nộp phát sinh cho cơ quan quản lý. Tội trốn thuế sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm theo Luật Hình sự 2015
Dịch vụ tư vấn về giải thể doanh nghiệp của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn về giải thể doanh nghiệp. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận