Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư vẫn có thể chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư. Vậy để chuyển nhượng dự án đầu tư, thì nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện gì? Trình tự thủ tục thực hiện như thế nào? Hãy cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Căn cứ pháp lý
Chuyển nhượng dự án đầu tư là gì?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật đầu tư năm 2020, dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
Chuyển nhượng dự án đầu tư (CNDAĐT) là việc các nhà đầu tư của một dự án chuyển một phần hoặc toàn bộ dự án của mình cho một nhà đầu tư khác được thực hiện thông qua hợp đồng CNDAĐT và phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Hợp đồng CNDAĐT mang bản chất và các đặc điểm cơ bản của một hợp đồng mua bán tài sản, trong đó, tài sản của loại hợp đồng này là dự án đầu tư hoặc một phần của nó.
Điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư
Khoản 1 Điều 46 quy định điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư như sau:
Dự án đầu tư hoặc phần dự án đầu tư chuyển nhượng không bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật đầu tư năm 2020
Nhà đầu tư nước ngoài nhận CNDAĐT, một phần dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật đầu tư năm 2020
Điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp CNDAĐT gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
Điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp CNDAĐT xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
Điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
Khi CNDAĐT, ngoài việc thực hiện theo quy định tại Điều này, doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.
Hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 48 Nghị định 31/2021/NĐ-CP
Hồ sơ
Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
+ Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm CNDAĐT;
+ Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư;
+ Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng;
+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
+ Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
+ Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận CNDAĐT: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

Số lượng hồ sơ
– 01 bộ hồ sơ đối với: (i) dự án đầu tư hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư; (ii) dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư mà nhà đầu tư đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn và đưa dự án vào khai thác, vận hành.
– 04 bộ hồ sơ (01 bản chính + 03 bản sao) đối với dự án đầu tư thuộc diện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân Thành phố.
– 08 bộ hồ sơ (01 bản chính + 07 bản sao) đối với dự án đầu tư thuộc diện điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư
Đối với dự án không thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư, dự án thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư mà nhà đầu tư đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn và đưa dự án vào khai thác, vận hành
Bước 1: Nộp hồ sơ
Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư nộp hồ sơ tại Sở kế hoạch đầu tư
Bước 2: Sở kế hoạch và đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ
Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư để điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết hành chính
Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Cơ quan đăng ký đầu tư đã nộp hồ sơ.
Đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh
Bước 1: Nộp hồ sơ
Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư nộp 4 bộ hồ sơ ( 1 bản chính + 3 bản sao) cho cơ quan đăng ký đầu tư.
Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ
Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lấy ý kiến thẩm định về điều kiện CNDAĐT;
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan được gửi hồ sơ xin ý kiến có ý kiến về điều kiện chuyển nhượng thuộc phạm vi quản lý của mình;
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo về việc đáp ứng điều kiện chuyển nhượng dự án;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Cơ quan đăng ký đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư;
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nhận CNDAĐT.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết hành chính
Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Cơ quan đăng ký đầu tư đã nộp hồ sơ.
Đối với dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
Bước 1: Nộp hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư
Nhà đầu tư CNDAĐT nộp 08 (tám) bộ hồ sơ (01 bản chính + 07 bản sao) tại Sở kế hoạch và đầu tư
Bước 2: Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ
Cơ quan đăng ký đầu tư tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận hồ sơ cho Nhà đầu tư; nếu thành phần hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên tiếp nhận/hướng dẫn giải thích để nhà đầu tư bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định và phê duyệt hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lấy ý kiến thẩm định về điều kiện CNDAĐT.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan được gửi hồ sơ có ý kiến về điều kiện chuyển nhượng thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Điểm c và Điểm d Khoản 1 Điều 45 Luật Đầu tư 2014).
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định về điều kiện CNDAĐT.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố và Cơ quan đăng ký đầu tư;
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nhận CNDAĐT.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết hành chính
Nhà đầu tư căn cứ vào ngày hẹn trên Giấy tiếp nhận hồ sơ đến nhận kết quả giải quyết tại Cơ quan đăng ký đầu tư đã nộp hồ sơ.
Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã đưa vào khai thác, vận hành
Đối với những dự án thuộc trường hợp này thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi chuyển nhượng dự án.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư
Bước 1: Nhà đầu tư chuyển nhượng dự án đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định tương ứng trong các trường hợp nêu trên;
Bước 2: Sau khi hoàn thành thủ tục quy định, nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thực hiện thủ tục thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về chuyển nhượng dự án đầu tư. Chúng tôi hi vọng rằng đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho độc giả khi muốn tìm hiểu các định của pháp luật về đầu tư.
Dịch vụ tư vấn đầu tư của OTIS LAWYERS
OTIS LAWYERS luôn tự hào là đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn đầu tư. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao, kinh nghiệm sâu rộng cùng với sự tận tâm với khách hàng, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới quý khách hàng dịch vụ tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất. Chúng tôi cam kết mọi thông tin khách hàng được bảo mật tuyệt đối và lợi ích khách hàng luôn được đặt lên hàng đầu.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park View, Số 3 đường Vũ Phạm Hàm, Phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận