Xin chào luật sư, tôi có nhu cầu mở quán cà phê nhỏ, vốn khoảng 500 triệu đồng. Mong luật sư tư vấn những vấn đề sau: Mở quán cà phê có cần giấy phép kinh doanh không?
Nên đăng ký kinh doanh hình thức hộ kinh doanh hay doanh nghiệp trong trường hợp quán chỉ có vợ chồng tôi góp vốn mở và khoảng 3 bạn nhân viên nữa?
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi, OTIS LAWYERS xin được tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự 2015
Luật Doanh nghiệp năm 2020
Nghị định 01/2021/NĐ-CP
Mở quán cà phê có cần giấy phép kinh doanh không?
Nhiều người kinh doanh quán cà phê cho rằng kinh doanh quán cà phê nhỏ lẻ không nhất thiết phải có giấy tờ đăng kí kinh doanh; mà chỉ những cửa hàng cà phê lớn, chuỗi cà phê, việc đăng kí kinh doanh mới quan trọng. Tuy nhiên, đây là một suy nghĩ sai lầm vì quán cafe là hình thức kinh doanh dịch vụ ăn uống, có xây dựng địa điểm cố định, bảng hiệu cụ thể và thực hiện hoạt động thương mại thường xuyên, ổn định nên bắt buộc phải đăng ký giấy phép kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.
Nên đăng ký kinh doanh hình thức hộ gia đình hay doanh nghiệp trong trường hợp của bạn?
Hãy xác định lại xem bạn đang có định hướng xây dựng quán cà phê theo loại hình kinh doanh nào. Hiện nay ở Việt Nam có các loại hình kinh doanh phổ biến sau:
- Hộ kinh doanh:Hoạt động kinh doanh trung bình hoặc nhỏ, sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động và có đăng kí một địa điểm nhất định
- Doanh nghiệp:Hoạt động kinh doanh trung bình hoặc lớn, chuỗi quán cà phê
Với mỗi loại hình, thủ tục đăng kí kinh doanh cần thực hiện lại có điểm khác nhau. Có thể thấy, đa số các quán cà phê không theo chuỗi hiện nay đều là các Hộ kinh doanh, hoạt động tại một địa điểm nhất định, trong khi các chuỗi cà phê lớn đều là các Doanh nghiệp kinh doanh.
Dựa trên câu hỏi bạn gửi cho OTIS, bạn muốn mở quán cà phê nhỏ, vốn khoảng 500 triệu đồng và nhân sự khoảng 5 người. Quan điểm tư vấn của chúng tôi là bạn nên đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh phù hợp với quy mô quán nhỏ, hồ sơ thủ tục không quá phức tạp và chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản.

Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh quán cà phê
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký kinh doanh mở quán cafe
Điều 87 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ đăng ký thành lập HKD bao gồm.
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
- Thông tin đăng ký hộ kinh doanh: tên, địa điểm, vốn, số lao động sử dụng...;
- Bản sao y chứng thực CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ hộ và thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh;
- Bản sao biên bản họp v/v thành lập HKD trong trường hợp các thành viên hộ gia đình cùng đăng ký hộ kinh doanh;
- Bản sao văn bản ủy quyền của các thành viên v/v cho 1 thành viên trong hộ gia đình làm chủ HKD trong trường hợp các thành viên hộ gia đình cùng đăng ký hộ kinh doanh;
- Hợp đồng thuê địa điểm đặt cơ sở kinh doanh.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Cụ thể nộp tại Bộ phận một cửa (bộ phận dịch vụ công) thuộc UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong 03 – 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Thủ tục xin Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm khi kinh doanh quán cà phê
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Giấy khám sức khỏe và CMND cho những nhân sự đang làm việc tại quán cafe;
- Tờ khai “Đề nghị sát hạch kiến thức VSATTP” theo mẫu;
- Tên tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh, địa chỉ, địa điểm kinh doanh, số điện thoại;
- Số giấy đăng ký kinh doanh hoặc CMND người đại diện;
- Danh sách cá nhân tham gia xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm;
- Giấy phép đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm (bản sao có chứng thực), bản công bố chất;
- lượng cà phê (bản photo có chứng thực), hóa đơn mua bán cà phê, giấy chứng nhận cơ sở sản xuất cà phê;
- Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng cơ sở;
- Bản vẽ sơ đồ thiết kế mặt bằng xung quanh;
- Sơ đồ quy trình sản xuất thực phẩm hoặc quy trình phân phối (bỏ qua nếu là đăng ký kinh doanh cá thể);
- Bản thuyết minh trang thiết bị, cơ sở vật chất, dụng cụ của cơ sở;
- Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người quản lý;
- Giấy xác nhận của chủ cơ sở và người quản lý trực tiếp của cơ sở;
- Các nguyên vật liệu tại quán phải có đầy đủ hợp đồng cung cấp, hóa đơn bán hàng…
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục an toàn vệ sinh thực phẩm
Bước 3: Cục An toàn thực phẩm sẽ tiến hành cử đoàn thẩm định về cửa hàng để tiến hành thẩm định
Bước 4: Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Sau khi thẩm định, nếu cửa hàng của bạn đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, Cục sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm sau 15 ngày.
Ngược lại, nếu không đủ điều kiện thì cơ quan này sẽ gửi văn bản thông báo kèm theo lý do rõ ràng.
Mở quán cà phê còn cần các loại giấy tờ nào khác không?
Bên cạnh giấy đăng ký thành lập hộ kinh doanh và giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm, khi mở quán bán cafe còn cần một số loại giấy tờ khác, cụ thể:
- Bằng cấp, chứng chỉ pha chế dành của chủ quán và nhân viên pha chế - đây là cơ sở để kiểm định chất lượng thức uống;
- Hợp đồng lao động với đội ngũ nhân viên tại quán cafe. Theo Bộ Luật Lao động thì người lao động làm việc trên 3 tháng phải được ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản.
Trên đây là tư vấn của OTIS LAWYERS về việc đăng ký kinh doanh khi mở quán cà phê. Chúng tôi hi vọng đây sẽ là nguồn tham khảo giúp anh/chị tháo gỡ khó khăn đang gặp phải.

Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: K28 - Nhóm K, Ngõ 68 Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Bình luận