OTIS LAWYERS xin gửi đến bạn đọc bản tin pháp luật 23/11 - 29/11. Tức tuần thứ 4 của tháng 11/2024. Những chính sách mới, những cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội nói chung. Và thông tin về lĩnh vực pháp luật nói riêng sẽ được chúng tôi tổng hợp trong bản tin pháp luật 23/11 - 29/11 dưới đây.
Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024
Ngày 26/11/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) với nhiều thay đổi quan trọng so với Luật hiện hành. Theo dự thảo mới nhất, một số điểm nổi bật gồm:
- Điều chỉnh đối tượng không chịu thuế GTGT: Lược bỏ một số đối tượng như phân bón, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán; Bổ sung hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh vào danh mục không chịu thuế; Sản phẩm xuất khẩu từ tài nguyên, khoáng sản chỉ không chịu thuế nếu đáp ứng quy định cụ thể của Chính phủ; Cá nhân kinh doanh có mức doanh thu từ 200 triệu đồng/năm trở xuống sẽ không phải chịu thuế GTGT.
- Bổ sung trường hợp được hoàn thuế: Cơ sở kinh doanh sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%, nếu có thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên trong 12 tháng hoặc 4 quý, sẽ được hoàn thuế.
- Các thay đổi khác: Sửa đổi giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu; điều chỉnh thuế suất một số hàng hóa, dịch vụ; bổ sung quy định về giá tính thuế cho hàng hóa, dịch vụ khuyến mại.
Luật Thuế GTGT 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, thay thế Luật Thuế GTGT 2008 và các văn bản sửa đổi liên quan.
Chính thức thông qua Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế
Chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) với nhiều điểm bổ sung mới đáng chú ý, cụ thể:
- Cập nhật đối tượng và trách nhiệm tham gia BHYT: Điều chỉnh các quy định về đối tượng, phương thức, thời hạn đóng BHYT và giá trị thẻ, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH).
- Quy định về khám chữa bệnh (KCB) BHYT: Đăng ký KCB ban đầu, chuyển tuyến theo cấp chuyên môn kỹ thuật, mở rộng mức hưởng và quyền lợi, đặc biệt đối với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.
- Mở rộng quyền lợi BHYT: Bao gồm điều trị lác, tật khúc xạ mắt cho người dưới 18 tuổi; quản lý bệnh mãn tính tại y tế cơ sở.
- Điều chỉnh tỷ lệ chi BHYT: Tăng tính minh bạch trong giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT.
- Bổ sung cơ chế thanh toán: Bao gồm chuyển thuốc, thiết bị y tế và dịch vụ cận lâm sàng giữa các cơ sở KCB.
- Xử lý vi phạm: Quy định biện pháp xử lý chậm đóng, trốn đóng BHYT.
- Trách nhiệm của Bộ Y tế: Rà soát, cập nhật phác đồ điều trị, đánh giá hợp lý dịch vụ KCB BHYT.
- Cấp thẻ BHYT điện tử: Đồng bộ với kiểm toán hằng năm theo Luật BHXH.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Điều chỉnh tờ khai thuế GTGT nhiều lần là yếu tố nghi vấn doanh nghiệp rủi ro về hóa đơn
Công văn 5255/TCT-TTKT được ban hành ngày 15/11/2025 của Tổng cục Thuế yêu cầu tăng cường giải pháp phòng, chống gian lận hóa đơn điện tử và trục lợi tiền hoàn thuế GTGT. Các nội dung chính bao gồm:
- Rà soát, đánh giá rủi ro doanh nghiệp: Tập trung vào doanh nghiệp có dấu hiệu như điều chỉnh tờ khai thuế GTGT nhiều lần, kê khai bổ sung nhiều kỳ, hoặc hóa đơn không đúng quy định.
- Kiểm tra và xử lý: Đối với doanh nghiệp rủi ro cao, cơ quan thuế kiểm tra tại chỗ hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra, đảm bảo xử lý triệt để.
- Tổ chức chuyên đề thanh tra: Nhắm đến doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử rủi ro cao và giao dịch với hộ kinh doanh có lượng hóa đơn lớn.
- Tuân thủ chỉ đạo: Thực hiện theo các văn bản chỉ đạo trước đây, như Chỉ thị 01/CT-TCT và các công văn liên quan.
- Thành lập Ban Chỉ đạo: Đẩy mạnh quản lý và phòng chống gian lận hóa đơn điện tử.
Các biện pháp nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý và xử lý gian lận hóa đơn trong toàn ngành thuế.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm lãi vay cho doanh nghiệp
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 121/CĐ-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống.
- Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước;
- Tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
- Chỉ đạo tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện của các tổ chức tín dụng để các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó Công điện 122/CĐ-TTg, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để giảm mặt bằng lãi suất cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện sẽ có chính sách hỗ trợ về thuế, tài chính
Tại Công văn 8685/VPCP-CN được ban hành ngày 15/11/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai lộ trình phát triển phương tiện giao thông xanh, đặc biệt là chuyển đổi sang ô tô điện. Các chính sách hỗ trợ đáng chú ý bao gồm:
- Chính sách tài chính và thuế: Xây dựng ưu đãi về thuế, phí và hỗ trợ tài chính trực tiếp, gián tiếp để khuyến khích sử dụng ô tô điện; Chính sách mua sắm tài sản công ưu tiên chuyển đổi sang ô tô điện.
- Quy định và chính sách giao thông: Thiết lập chính sách thúc đẩy lưu hành ô tô điện, thay thế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch, và các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan.
- Hạ tầng và công nghiệp hỗ trợ: Phát triển công nghiệp ô tô điện, hạ tầng sạc điện, quy chuẩn trạm sạc, và chính sách ưu đãi giá điện tại trụ sạc công cộng.
- Đầu tư và quy hoạch: Khuyến khích đầu tư sản xuất ô tô điện và xây dựng trạm sạc điện/hydro; Quy định việc bố trí trạm sạc tại các công trình, tòa nhà và đô thị.
- Địa phương thúc đẩy chuyển đổi: Ban hành chính sách thúc đẩy việc chuyển đổi sang ô tô điện tại địa phương.
Trước mắt, đến năm 2030, cần thực hiện kế hoạch chuyển đổi xe buýt và xe khách nội tỉnh sang sử dụng điện theo Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Trên đây là bản tin pháp luật 23/11 - 29/11/2024. Về những thông tin, tin tức cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và pháp luật nói riêng. Hy vọng bản tin của OTIS LAWYERS sẽ mang lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Xin chân thành cảm ơn!
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận