Chơi họ (tên gọi khác là chơi hụi) là một hình thức diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi. Về bản chất, đây là một trong những hình thức để huy động vốn, tương trợ trong nhân dân được Nhà nước thừa nhận và cho phép hoạt động. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có một Điều để quy định về vấn đề này. Cùng OTIS LAWYERS tìm hiểu quy định pháp luật và một số rủi ro khi chơi họ mà người có ý định chơi cần lưu ý.
CHƠI HỌ CHƠI HỤI LÀ GÌ?
Thế nào là chơi họ (hụi)
Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) được quy định tại điều 471 BLDS là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Đây là một loại giao dịch về tài sản theo tập quán hình thành từ rất lâu trong đời sống của nhân dân ta ở khắp tất cả các miền. Miền Bắc thường gọi là họ, miền trung thường gọi là biêu, phường và miền nam thường gọi là hụi. Một số nơi còn có cách gọi khác là bưu, huê, hội v.v. Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng về bản chất là giống nhau. Họ được chia thành họ không có lãi và họ có lãi. Họ có lãi bao gồm họ đầu thảo và họ hưởng hoa hồng. Trong trường hợp tổ chức có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của BLDS đồng thời nghiêm cấm các hình thức cho vay nặng lãi trong hụi, họ,...
Ví dụ về chơi họ
Khi chơi họ cần một người đúng ra làm chủ (chủ hụi) và mời các thành viên khác chơi cùng (con hụi). Chủ hụi có trách nhiệm đi thu tiền (tài sản) của con hui. Một “dây hụi” có thể không giới hạn người chơi. Các thành viên của dây hụi thống nhất góp một loại tài sản có giá trị giao dịch như: tiền, vàng,... Dây hụi cũng thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi…
- Chơi hụi không tính lãi
Hình thức chơi mà các con hụi có mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau hỗ trợ tài chính, các con hụi tự thỏa thuận thứ tự hốt hụi mà không cần đóng lãi cho nhau, chỉ cần đóng tiền hoa hồng cho chủ hụi theo thỏa thuận ban đầu.
Ví dụ: Một dây hụi trị giá 10 triệu/50 ngày, có 10 con hụi tham gia, kỳ đóng hụi 5 ngày/lần. Mỗi con hụi sẽ phải đóng tiền định kỳ 100.000VNĐ/5 ngày. Trong kỳ hốt hụi thứ nhất (sau 50 ngày), người hốt hụi đầu tiên sẽ nhận được 10 triệu và vẫn phải tiếp tục đóng hụi định kỳ cho đến khi tất cả người chơi đều được hốt hụi.
Tương tự, 50 ngày sau người hốt hụi thứ hai lại nhận được 10 triệu và vẫn phải tiếp tục đóng hụi định kỳ cho đến khi kết thúc dây hụi.
- Chơi hụi tính lãi
Chơi hụi tính lãi là chỉ những dây hụi trong đó có những con hụi cần tiền gấp muốn hốt hụi trước và phải chấp nhận chịu lãi cho các con hụi chưa cần tiền. Tiền lãi này được chia đều và trừ vào số tiền đóng hụi định kỳ của các các hụi hốt tiền sau.
Ví dụ: Một dây hụi trị giá 10 triệu/50 ngày, có 10 con hụi tham gia, kỳ đóng hụi 5 ngày/lần. Số tiền đóng hụi định kỳ là 100.000đ/5 ngày. Giả sử, chị X cần tiền nên muốn hốt hụi đầu tiên, chị phải chấp nhận trả thêm khoản lãi 45.000đ/kỳ đóng hụi.
Như vậy trong tất cả các kỳ đóng hụi sau, chị X cần đóng: 100.000 + 45.000 = 145.000đ, 9 người còn lại chỉ cần đóng: 100.000 - (45.000/9) = 95.000đ
Kỳ hốt hụi thứ 2, anh Y nhận hốt hụi và chấp nhận trả thêm lãi 40.000đ/kỳ. Như vậy trong tất cả các kỳ đóng hụi sau, anh Y cần đóng: 95.000 + 40.000 = 135.000đ, 8 người còn lại chỉ cần đóng: 95.000 - 40.000/8 = 90.000đ.
Trong trường hợp chị X và anh Y cùng cần hốt hụi đầu tiên, hai người sẽ đấu giá lãi suất để tranh suất hốt hụi đầu tiên.
Bản chất tích cực của chơi họ
Về bản chất, chơi họ là một hình thức huy động vốn khá phổ biến trong đời sống của nhân dân. Xét về mặt tích cực thì hoạt động này tạo điều kiện cho người chơi có thể huy động tài chính từ những người khác với hình thức đơn giản, thuận lợi hơn so với vay tín dụng ngân hàng. Sau đó, họ trở về hình thức trả góp đối với khoản tiền đã vay khi đến kỳ mở họ. Đối với những người nhận tiền ở những kỳ sau, chơi họ giúp họ tiết kiệm một khoản tiền tương đối lớn.
RỦI RO KHI CHƠI HỌ (HỤI)
- Hụi ma, tức là người đã chơi hốt họ, nhưng bỏ trốn và không hoàn thành nghĩa vụ đóng họ cho các kỳ tiếp theo.
- Bể hụi, là khi chủ hụi đã thu hụi của các con hụi, đến kỳ mở hụi mà không chi trả cho người đến lượt bốc họ. Khi đó gọi là bể họ (hụi)
- Giật hụi, là trường hợp tới kỳ mở hụi mà không tìm ra chủ hụi, thì gọi là giật hụi.
Hiện chơi hụi đang bị biến tướng, khi không ít chủ hụi lợi dụng hình thức này để trục lợi cho bản thân, chiếm đoạt tài sản những người tham gia. Có những chủ hụi tự đứng lên “dựng” quy mô của một dây hụi với cả mười, thậm chí vài ba chục người tham gia. Để thu nạp được số thành viên thực bỏ tiền vào góp hụi, không ít ông, bà chủ hụi đã “lòe” thiên hạ bằng đất đai, nhà lầu, xe hơi sang trọng, với tổng tài sản lên tới nhiều tỉ bạc... Thế nhưng, trên thực tế thì họ không có gì, có khi chỉ là nhà đi thuê, xe đi thuê, đi mượn... Và vì thế, khi đã huy động được một số vốn kha khá, họ tuyên bố phá sản hoặc bỏ trốn, khiến các hụi viên điêu đứng, khốn khổ.
Điều đặc biệt nguy hiểm, dù đã có rất nhiều vụ vỡ hụi xảy ra liên tiếp trên địa bàn cả nước, nhưng nhiều người vẫn u mê lao vào chơi như con thiêu thân, để rồi bị lừa gạt. Không chỉ có tình trạng chủ hụi lừa gạt người chơi bằng hình thức tuyên bố phá sản, bỏ trốn như kể trên, mà không ít vụ vỡ hụi nguyên nhân do chính hụi viên khi đến lượt gom tiền cũng bỏ trốn.
Nêu thực trạng trên mới thấy, chơi họ luôn có tính rủi ro rất cao, nghĩa là người chơi có thể mất tiền bất cứ lúc nào.
MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CẦN LƯU Ý KHI THAM GIA CHƠI HỤI ĐỂ TRÁNH RỦI RO
(1) Chủ hụi và thành viên dây hụi phải thông báo về nơi cư trú mới cho các thành viên còn lại nếu có thay đổi nơi cư trú.
(2) Khi có người muốn gia nhập dây hụi thì chủ hụi phải thông báo các nội dung sau:
- Số lượng dây hụi mà mình làm chủ hụi
- Số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ hụi
- Phần hụi, kỳ mở hụi.
(3) Thỏa thuận về dây hụi phải được lập thành văn bản và có đầy đủ các nội dung. Văn bản thoả thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.
(4) Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi.
(5) Chủ hụi phải giao hụi cho thành viên tại mỗi kỳ mở hụi
Trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao các phần hụi cho thành viên được lĩnh hụi thì chủ hụi có trách nhiệm đối với thành viên đó như sau:
- Thực hiện đúng nghĩa vụ giao hụi.
- Trả lãi đối với số tiền chậm giao cho thành viên được lĩnh hụi theo quy định của pháp luật.
- Chịu phạt vi phạm trong trường hợp những người tham gia dây hụi có thỏa thuận phạt vi phạm theo quy định tại Điều 418 của Bộ luật dân sự 2015.
- Bồi thường thiệt hại (nếu có).
(6) Thành viên dây hụi được quyền xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi khi có yêu cầu.
(7) Chủ hụi phải giao giấy biên nhận cho thành viên khi thực hiện các hoạt động sau:
- Góp hụi, lĩnh hụi;
- Nhận lãi, trả lãi;
- Thực hiện giao dịch khác có liên quan.
(8) Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên;
- Tổ chức từ hai dây hụi trở lên.
Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.
(9) Nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
(10) Nghiêm cấm tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật.
Nếu chủ hụi vi phạm 10 quy định trên thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt được quy định tại Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể:
Hành vi | Mức phạt tiền | Biện pháp khắc phục hậu quả |
(1) đến (7) | Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. | |
(8) | Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. | |
(9), (10) | Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. | Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. |
Pháp luật đã có chế tài quy định rõ về nguyên tắc tổ chức hụi, điều kiện làm thành viên, chủ hụi; gia nhập, rút khỏi hụi; văn bản thảo thuận về hụi; thứ tự lĩnh hụi, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ hụi. Trong thực tế, để không trở thành nạn nhân của nạn “giật hụi”, “vỡ hụi”, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác bảo vệ tiền và tài sản của chính mình; nên xem xét kỹ khi quyết định tham gia vào các dây hụi, tránh tâm lý ham lợi trước mắt bởi những thủ đoạn lừa đảo của chủ hụi dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH OTIS VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ văn phòng: Tầng 2, Tòa CT3, Khu đô thị Yên Hòa Park view, số 3 đường Vũ Phạm Hàm, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Email: [email protected]
Hotline: 0987748111
Bình luận